Một ngày cuối năm 2020, khi bão Vamco đổ bộ vào Quảng Bình, Nhị tức tốc phóng xe đến trại gà cách nhà hơn chục km, chằng néo lại chuồng trại. "May trại này cao, nước chưa ngập tới. Bên đó thấp, gà chết hết rồi", Nhị nói với người làm, tay run run chỉ về vùng trũng, nơi có hơn chục hộ đang nuôi gà liên kết với công ty của mình.
Trận bão đó khiến hơn một vạn con gà ri sắp xuất chuồng chết đuối. Đây là lần thứ hai chàng trai 29 tuổi ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch bị "trời phá", tiền sắp về túi lại trôi mất theo dòng nước lũ.
Học hết lớp 9, gia đình khó khăn nên Nguyễn Văn Nhị nghỉ học, đi làm thuê cho một chủ vườn tiêu. Một hôm, chủ vườn gọi cậu vào đề nghị nhường lại suất học 6 tháng về vi sinh vật do chuyên gia nước ngoài dạy, tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội.
Tháng 8/2010, giấu gia đình, Nhị bắt xe lên Hà Nội đi học. Trong túi lúc đó chỉ có một triệu tiết kiệm, không đủ tiền thuê nhà, phải xin chủ trọ cho ngủ dưới gầm cầu thang. Anh mua một thùng mì tôm, mỗi ngày bỏ ra đúng một gói rồi bẻ đôi, trưa một nửa, tối một nửa. Ngoài giờ học trên trường, Nhị xin làm bảo vệ từ 5h chiều đến 12h đêm, ngày kiếm 50.000 đồng, gửi về nhà phụ mẹ nuôi em. Kết thúc khóa học 6 tháng với chuyên gia nước ngoài, Nhị nhận được danh hiệu học viên xuất sắc nhất với 1.000 USD tiền thưởng.
Về quê, anh được một người quen tại lớp học mời về phụ trách kỹ thuật trang trại trồng tiêu hữu cơ, tháng trả 15 triệu, ở tại nơi làm. Sau hơn ba năm làm thuê, chàng trai này có trong tay hơn 400 triệu đồng. Có tiền, đầu năm 2015, Nhị vay bạn thêm 200 triệu, tự mình trồng tiêu hữu cơ bởi "thích nghề nông, lại muốn làm chủ". Nhưng trận bão năm 2017 đã xóa sổ toàn bộ 10 ha tiêu chuẩn bị đến ngày thu hoạch. gầy dựng trong ba năm của chàng trai trẻ. Cơ nghiệp và toàn bộ vốn liếng hơn 600 triệu đồng mất trắng, Nhị bỏ ăn bỏ ngủ, lang thang trong vườn, một tuần sụt mất 5 kg. Đó là lần đầu tiên Nhị bị "trời phá".
Tin "thằng Nhị phá sản" truyền đến tai gia đình dưới quê. Bà Cao Thị Liểng - mẹ Nhị - triệu tập con về, lên kế hoạch cho con đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc "Làm thuê cho chắc ăn, làm nông phụ thuộc thời tiết khổ lắm", bà thuyết phục. Nghe thuận tai, Nhị "dắt túi" 100 triệu đồng tiền thế chấp sổ đỏ của gia đình lên Hà Nội học tiếng với hy vọng ra nước ngoài làm ăn, đủ tiền trả nợ.
Trong thời gian ở thủ đô, tình cờ Nhị được mời đến ăn một nhà hàng có món gà ri hữu cơ. Tò mò với cái tên "gà hữu cơ", anh mò mẫm đi tìm hiểu và được giới thiệu tới một ông chủ chuyên phân phối thực phẩm. Người này cam kết, nếu có nguồn cung sẽ lấy 20 tấn gà mỗi tháng với giá hơn 140.000 đồng một kg, cao gấp ba lần giá gà công nghiệp thông thường. Ngay lập tức đầu Nhị nảy ra câu hỏi: "Sao không về quê nuôi loại gà này?".
Ngày hôm sau, anh bắt xe về quê, nói dối mẹ công ty trục trặc nên chưa thể đi Hàn Quốc. Nhị cắp giấy bút đến các trang trại gà hữu cơ xem cách họ dựng chuồng nuôi, rèm che và cách khử trùng. Sau một tháng, 40 triệu tiền thừa sau vụ xuất khẩu lao động "hụt", anh rủ thêm hai người bạn thành lập công ty chuyên nuôi và cung cấp gà ri hữu cơ.
Lứa đầu tiên, Nhị nhập 1.000 con gà mới bóc trứng từ Viện Chăn nuôi, và thả trên diện tích một hecta đất được thuê gần nhà để nuôi gà "thuận tự nhiên", không nhốt. Thức ăn tự phối trộn từ ngô, thóc, mầm lúa mạch và đạm cá. Hai lứa đầu 2.000 con, gà khỏe mạnh lên cân đều, mỗi lứa thu về 50 triệu đồng. Sang lứa thứ ba cuối năm 2018, gần nghìn con gà bỗng đổ bệnh, "chết như ngả rạ".
Gà chết, ông chủ vò đầu bứt tai tìm nguyên nhân và nhận ra cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Một lần tình cờ biết đến "thức ăn sinh học hữu cơ" gồm ngô, lúa mạch, đậu tương... kết hợp công nghệ vi sinh vật, giúp gà hấp thu dinh dưỡng và kháng bệnh tốt, Nhị mừng húm. Tuy nhiên loại cám này đa phần nhập khẩu với giá thành cao, anh tự thuê phòng nghiên cứu, tự mình phối trộn đưa vi sinh vật vào thức ăn.
Sau ba năm nghiên cứu cám chứa vi sinh vật, đầu năm 2020 Nhị thành công. Sản phẩm này có thời gian bảo quản được vài tháng thay vì vài ngày như trước, lại rẻ hơn so với cám nhập khẩu. Đàn gà 4 vạn con, liên kết với 40 hộ tại nhiều tỉnh thành được cung cấp cám vi sinh vật do Nhị sản xuất, con nào con nấy đều khỏe mạnh, hấp thụ tốt.
"Nhị mới học hết lớp 9 nhưng kỹ sư nông nghiệp chưa chắc làm được như cậu ấy. Đó là thanh niên dám nghĩ dám làm ", thầy Trần Tự Lực, trưởng khoa Kinh tế Đại học Quảng Bình, một người bạn của Nhị nói.
Kết thúc năm 2020, dù tổn thất một vạn con do trận bão lịch sử nhưng công ty vẫn cung cấp ra thị trường hơn 40 tấn gà, doanh thu gần 6 tỷ đồng. Trong năm này, Nhị cũng là một trong 10 thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh nhận giải thưởng Lương Ðịnh Của và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Những con gà ri "kéo" Nhị ở lại quê hương nên dù làm thâu đêm từ sản xuất cho đến nghiên cứu, anh chưa bao giờ than mệt. "Thanh niên này khi ngã sẽ đứng dậy, sửa sai và làm lại chứ không từ bỏ", chị Phan Thị Hồng Thúy, bí thư Đoàn xã Quảng Trạch nhận xét.
Giờ nhìn Nhị "đắm đuối" với đàn gà, bà Liểng không còn hỏi bao giờ con trai đi Hàn Quốc nữa. Còn với thanh niên này, mục tiêu năm 2021 là chuộc lại sổ đỏ cho mẹ, dù bà nhiều lần tặc lưỡi "Cứ để đó mà làm ăn".
Hải Hiền