Xây cầu Rạch Miễu chỉ có hai làn xe, mỗi chiều một làn, quả thật là tư duy ngắn, tầm nhìn hẹp. Lúc xây cầu người ta chỉ nghĩ đến việc nối Bến Tre với Tiền Giang mà thôi, ngoại trừ dân Bến Tre hoặc có việc đến Bến Tre ra thì chả ai đi cầu này. Điều đó là đúng cho đến khi người ta xây cầu Cổ Chiên nối Bến Tre với Trà Vinh.
Không có cầu Cổ Chiên, từ TP HCM đi Trà Vinh phải đi xuyên qua Vĩnh Long mất 200 km. Có cầu Cổ Chiên, đoạn đường trên được rút ngắn xuống còn 100km. Cầu Rạch Miễu và Cổ Chiên mặc nhiên được xem là đường tắt để đi Trà Vinh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Năm hết Tến đến, dòng người đổ về quê ăn Tết cũng như hàng hóa từ các tỉnh miền Tây vận chuyển về TP HCM khiến cho cầu Rạch Miễu ùn tắc. Tôi phải chờ bên này cầu Rạch Miễu (đầu cầu phía Bến Tre) hơn 2h mới qua cầu được. Đến đoạn nối vào cao tốc Trung Lương lại tắc thêm một lần nữa.
>> Nghịch lý giao thông Hà Nội: ngõ hẹp thì thông, đường rộng lại tắc
Chúng tôi buộc phải đánh liều chạy vào đường quốc lộ 1A, con đường quen thuộc từ lâu không chạy từ khi có cao tốc Trung Lương. Không nghĩ đến, con đường quốc lộ này lại bất ngờ trở thành cao tốc vì xe cộ rất ít ỏi. Dù chỉ được phép chạy 60 km/h nhưng tôi nghĩ là vẫn nhanh hơn đi cao tốc có mật độ xe cộ dày đặc. May mắn, khu vực Bến xe Miền Tây không bị kẹt xe, thở phào nhẹ nhõm.
Làm cầu hay làm đường mỗi chiều tối thiểu phải có hai làn xe để đề phòng có sự cố xảy ra người ta có chỗ mà tránh qua. Mỗi chiều chỉ có một làn độc đạo làm sao mà tránh? Quốc lộ, cao tốc các kiểu đều có hai làn, đột nhiên đến cầu chỉ có một làn thì có khác gì nút cổ chai, ai đi ai nhịn?
>> Dải phân cách di động sẽ giúp đường miền Tây - Sài Gòn bớt kẹt cứng
Như vậy, cần xây cái cầu thứ hai song song với nó, mỗi cầu một chiều. Nếu trước đây tầm nhìn dài một chút thì nay đã không có chuyện gì xảy ra. Về chuyện xe tải bị mất đà mà có bạn đề cập, tôi nghĩ chỉ có xe chở quá tải mới bị mất đà.
Người ta thiết kế ra cái xe tải có trọng tải như vậy thì để kéo được nó công suất động cơ cũng sẽ tương ứng. Xe chỉ bị mất đà khi leo lên một con dốc có độ cong lớn, người lái xe không thể tăng tốc ngay từ đầu vì không nhìn thấy xe chạy chiều ngược lại. Còn đây là dốc cầu, thẳng băng như vậy làm sao mà mất đà?
Cánh tài xế bây giờ hầu như chỉ toàn chở quá tải. Quá tải sẽ làm hư hỏng cầu đường vì trọng lượng xe và trọng lượng hàng đè lên 1 cm2 mặt đường lớn hơn mức cho phép.
>> Kẹt xe miền Tây, cần phá thế độc đạo của quốc lộ 1A
Trước đây, người ta có sáng kiến (hoặc là tối kiến) là tăng thêm cầu bị động (đồng nghĩa với tăng thêm bánh xe) để khỏi làm hư đường. Vâng, đường không bị hư nhưng tốc độ chạy xe giảm đáng kể vì công suất động cơ không tăng lên được chưa kể mức hao phí nhiên liệu là gần như gấp đôi. Chi phí nhiên liệu chỉ chiếm 15% chi phí vận chuyển, tăng thêm gấp đôi thì chi phí vận chuyển chỉ tăng thêm 15% nữa thôi nên họ sẵn sàng đánh đổi.
Tôi đề nghị đặt trạm cân ở hai đầu cầu (thậm chí hai đầu cao tốc), xe nào chở quá tải không cho qua. Anh nào chở quá tải thì cứ đường quốc lộ mà chạy, tốc độ rùa bò như vậy chen vào "cao tốc" làm cái gì, tốc độ đó quốc lộ dư sức đáp ứng. Lợi mình anh, hàng nghìn người chịu thiệt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.