Sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chạy khỏi đất nước hôm 15/8, Taliban tiến vào tiếp quản thủ đô Kabul và bắt tay vào công cuộc xây dựng chế độ cầm quyền mới. Lực lượng này tuyên bố "chiến tranh đã chấm dứt", cam kết sẽ xây dựng một chính phủ toàn diện, bao gồm mọi thành phần của đất nước.
Tuy nhiên, sau chiến thắng nhanh chóng và áp đảo về quân sự, nhóm này ngay lập tức đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có "vòng kim cô kinh tế" mà Mỹ đang siết chặt để buộc Taliban thực hiện lời hứa về chính phủ bao gồm đại diện của tất cả người dân để Afghanistan không một lần nữa rơi vào nội chiến.
Trong nỗ lực đó, phong trào này dường như đang tập hợp sự ủng hộ, kể cả từ các cựu thù. Taliban tuần qua đã tổ chức các cuộc gặp tại thủ đô Kabul với cựu tổng thống Hamid Karzai và Abdullah Abdullah, chủ tịch Hội đồng Cấp cao về Hòa giải Quốc gia Afghanistan.
Karzai, 63 tuổi, giờ đây ngồi vào bàn đàm phán cùng những người từng muốn ám sát ông. Ngay khi Taliban tiến vào Kabul, cựu tổng thống này đã đăng một video ngắn tuyên bố quyết tâm ở lại đất nước.
Mặc dù không tác động được nhiều đến tình trạng hỗn loạn tại thủ đô, thông điệp "bám trụ đến cùng" của Karzai được đánh giá đặc biệt mạnh mẽ bởi ông xuất hiện cùng các con gái của mình trong video. Khi còn đương nhiệm, Karzai từng bất đồng với Mỹ về việc sử dụng máy bay không người lái, đồng thời từ chối ký một thỏa thuận an ninh cho phép quân đội Mỹ ở lại sau năm 2014.
Abdullah, người quyền lực thứ hai trong chính phủ vừa bị lật đổ, cũng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình thành lập chính quyền mới tại Afghanistan. Ông là lãnh đạo của Hội đồng Cấp cao về Hòa giải Quốc gia, cơ quan dự kiến dẫn dắt các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ Afghanistan. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng và không có nhiều người giàu kinh nghiệm như Abdullah.
Abdullah từng làm cố vấn cho Ahmad Shah Massoud, thủ lĩnh của Liên minh phương Bắc, lực lượng lật đổ Taliban vào năm 2001 dưới sự hỗ trợ của Mỹ. Chính trị gia 60 tuổi này đã hai lần tranh cử tổng thống và từng tiến rất gần đến chiến thắng vào năm 2014. Tranh cãi về kết quả bầu cử năm đó khiến cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải đến Afghanistan để làm trung gian thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Ghani và Abdullah.
Theo bình luận viên Sudhi Ranjan Sen và Eltaf Najafizada của Bloomberg, một chính trị gia khác mà Taliban cần thuyết phục là cựu thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar, lãnh đạo đảng Hizb-e-Islami quyền lực một thời và là gương mặt kỳ cựu trên chính trường Afghanistan.
Hekmatyar từng là thành viên thuộc lực lượng vũ trang Hồi giáo được Mỹ huấn luyện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để chống lại Liên Xô vào những năm 1980, vừa là đồng minh, vừa là kẻ thù của Taliban. Khi Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001, Hekmatyar có quan hệ gắn bó với al-Qaeda và ủng hộ các vụ tấn công tự sát nhắm vào lính Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Hekmatyar bày tỏ ủng hộ đối thoại và tổ chức bầu cử để định đoạt chính phủ Afghanistan tiếp theo. Chính trị gia 72 tuổi này cũng đang tham gia những cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Taliban. Mối liên hệ sâu sắc giữa Hekmatyar với các cơ quan tình báo Pakistan khiến ông trở thành nhân tố quan trọng.
Dù đang chiếm ưu thế, Taliban, lực lượng chủ yếu là người Pashtun, dường như hiểu rằng bất cứ chính phủ ổn định nào cũng sẽ cần bao gồm những thủ lĩnh có tầm ảnh hưởng và đại diện từ các sắc tộc Uzbek, Tajik và Hazara. Các bình luận viên của Bloomberg cho rằng nếu thiếu họ, Afghanistan có nguy cơ lại rơi vào xung đột nội bộ như trong thập niên 1990.
Tướng Abdul Rashid Dostum, thủ lĩnh của người Uzbek và là cựu phó tổng thống Afghanistan, nằm trong số đó. Ông cũng là một chính trị gia kỳ cựu, từng đóng vai trò quan trọng trong Liên minh phương Bắc, nhưng đã nhiều lần đổi phe trong vài chục năm qua.
Dostum ủng hộ chính phủ Ghani và giữ chức phó tổng thống trong vòng 6 năm kể từ năm 2013. Ông từng bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, bao gồm giết người hàng loạt, nhưng phủ nhận toàn bộ. Thủ lĩnh của người Uzbek đã phải sang Thổ Nhĩ Kỳ vài năm để chữa bệnh, nhưng các đối thủ cáo buộc ông đang tìm cách tránh bị kết tội tại Afghanistan.
Ngay khi Taliban đang trên đà tiến công như chẻ tre, Dostum đã trở lại Afghanistan và từng được cho là sẽ giúp bảo vệ thành phố Mazar-e-Sharif ở phía bắc. Tuy nhiên, thành phố đã thất thủ nhanh chóng như phần còn lại của đất nước, buộc Dostum phải ẩn náu. Hiện chưa rõ thủ lĩnh 67 tuổi này đang ở đâu.
Ata Mohammad Noor, thủ lĩnh của dân tộc Tajik, từng tham gia các cuộc chiến tại Afghanistan từ thập niên 1990 và nằm trong số những kẻ thù lớn nhất của Taliban, cũng là lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đáng kể.
Ông giữ chức thống đốc tỉnh Balkh, địa phương thịnh vượng nhất Afghanistan, cho đến khi bị Ghani cách chức vào năm 2018. Sau khi Mazar-e-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh, rơi vào tay Taliban, Noor đã bỏ trốn cùng Dostum, đối thủ một thời của ông.
Khi Taliban bắt đầu trỗi dậy hồi đầu năm, Noor là một trong những người đầu tiên kêu gọi người dân đứng lên chiến đấu chống lại phong trào này. Ông cho rằng động thái đầu hàng của lực lượng chính phủ Afghanistan nằm trong "một âm mưu hèn nhát có tổ chức lớn hơn" và thề sẽ chiến đấu. Noor đang ở Uzbekistan.
Amrullah Saleh, cựu phó tổng thống tự nhận là "lãnh đạo lâm thời hợp pháp" sau khi Ghani rời khỏi Afghanistan, cũng đang kêu gọi kháng chiến chống lại Taliban. Saleh gia nhập chính phủ Ghani vào năm 2017 ở vị trí bộ trưởng nội vụ kiêm lãnh đạo cơ quan tình báo, từng nhiều lần thoát khỏi nỗ lực ám sát của Taliban.
Saleh đang ở thung lũng Panjshir phía bắc đất nước và dường như đã bắt tay với Ahmad Massoud, một thủ lĩnh khác của người Tajik và là con trai Ahmad Shah Massoud, lãnh đạo Liên minh phương Bắc.
Massoud tuyên bố lực lượng của anh đã "sẵn sàng đối đầu với Taliban một lần nữa", nhưng khả năng này được cho là còn phụ thuộc vào việc liệu Massoud có nhận được sự giúp đỡ đáng kể từ bên ngoài hay không. Trong bối cảnh Taliban điều lực lượng bao vây thành trì của Massoud tại tỉnh Panjshir, thủ lĩnh này đã đồng ý đàm phán.
Trong khi đó, thủ lĩnh nổi bật của người Hazara là cựu phó tổng thống Mohammad Karim Khalili. Ông là thành viên phái đoàn chính trị gia cấp cao Afghanistan đến Pakistan sau khi Taliban tiếp quản Kabul hôm 15/8. Trong một bài đăng trên Facebook tuần trước, Khalili bày tỏ hy vọng giới lãnh đạo Taliban sẽ xây dựng một hệ thống chính trị ổn định.
"Tương lai của Afghanistan phụ thuộc vào điều này", ông cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)