Thưa cô, tất nhiên là cô sẽ không thể nhớ và biết đến em nhưng em vẫn luôn nhớ tới cô, nhớ rõ mồn một bởi vì lời nói của cô luôn văng vẳng bên tai, đồng thời trở thành phương châm sống của cuộc đời em.
Hồi ấy, em là sinh viên năm thứ hai hay ba gì đó. Cô dạy em môn Lịch sử Nhà nước và Pháp luật. Giáo viên khoa em thiếu, chủ yếu mời các chuyên gia các ngành ở các Bộ, Viện về dạy. Trong mắt chúng em, các thầy cô đã từng tu nghiệp ở nước ngoài, đã học tập, sinh sống ở nước ngoài về, hay làm việc ở các Viện đều là những người giỏi giang. Hình ảnh của các thầy cô thật cao xa, lung linh.
Có một lần, em tìm đến Viện của cô để hỏi bài tập. Em xớ rớ, ngượng ngịu đi vào nhưng không dám cất chân. Phần vì em mặc cảm mình nhỏ bé, tồi tàn: giọng nói trọ trẹ, ăn mặc lôi thôi, chiếc xe đạp với tay lái han rỉ… Phần khác, em choáng ngợp bởi “hào quang rực rỡ” của những người làm việc nơi đây.
Ngọng nghịu mãi, không nhịn được, em thưa với cô:
"Dạ thưa cô, em lên đây mà em ngại quá, các thầy cô toàn ở nước ngoài về, học cao, biết rộng, có địa vị... còn em chỉ là sinh viên xoàng xĩnh thế này".
Cô dịu dàng trả lời:
"Em ạ, đây là sự phân công lao động xã hội mà thôi. Các cô cũng đã qua thời sinh viên. Hơn nữa, dù là ai đi nữa thì chí ít chúng ta cũng đều là con người. Chúng ta bình đẳng ở đó em ạ".

Chỉ một câu nói giản dị của cô nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn tới quan niệm sống, ứng xử của một đời người. Ảnh minh họa
Em đã sống với câu nói của cô. Chí ít em không sợ hãi khi đứng trước những người “to lớn” và cũng không bao giờ ngạo mạn cho rằng mình "to lớn" trước người khác. Bởi vậy, em chẳng đòi hỏi một đặc quyền cư xử từ người khác.
Em cảm ơn cô nhiều lắm. Chỉ một câu nói giản dị của cô nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn tới quan niệm sống, ứng xử của một đời người.
>> Xem thêm: Vì thầy, em đã không mất niềm tin vào cuộc sống
![]() |