Cách đây hơn 20 năm, ngày tôi bước chân vào lớp 10, ba đã định hướng cho tôi theo ngành y nhưng ý định đó bất thành vì tôi vốn không giỏi hóa, một môn quan trọng trong khối B.
Tôi chọn con đường sư phạm, trở thành cô giáo tiếng Anh. Rồi số phận đưa tôi đến thêm với công tác đào tạo tiếng Anh và kỹ năng trong ngành du lịch. Trong 15 năm đứng lớp, tôi tiếp xúc với nhiều học trò ở đủ các lứa tuổi và các môi trường khác nhau tại nhiều tỉnh thành.
Dù là giáo viên, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều từ học trò của mình, những bài học giúp tôi dần hoàn thiện bản thân. Bài học đáng nhớ nhất có lẽ là vào năm đầu tôi đi dạy tại một trường trung học bán công. Đó cũng là bài học đầu đời của tôi.
Hôm đó, thầy biên tập báo tường của trường nhắn tôi lên văn phòng, đưa tôi đọc một bài viết của một học sinh nam thuộc loại cá biệt trong một lớp tôi phụ trách môn tiếng Anh. Thầy nhấn nhá đầy ngụ ý: "Bài viết này hay, mộc mạc nhưng tôi không cho đăng lên báo tường của trường được".
Nội dung bài viết đó là: “Một lần nọ em quậy phá trong tiết Anh văn, cô giáo nhắc hoài em vẫn không dừng. Bình thường cô chỉ la thôi, nhưng hôm đó có lẽ vì quá giận nên cô đã cho em một cái bạt tai. Em đau nhưng không giận cô vì em có lỗi. Em chỉ thấy bất ngờ...".
Đọc tới đó, tôi vừa xấu hổ với thầy ấy, vừa thấy biết ơn em học sinh kia. Từ đó, tôi đặt ra cho mình một nguyên tắc là không bao giờ được làm tổn thương học trò, dù bằng hình thức nào.
Thời gian trôi đi, cứ vài ba năm vợ chồng tôi lại phải thay đổi nơi sinh sống do đặc thù công việc của chồng, nhưng bù lại tôi được nhiều trải nghiệm thú vị trong nghề. Dù sống ở đâu, tôi vẫn luôn là một giáo viên nghiêm khắc và cầu toàn đến mức khó tính trong lớp học nhưng được rất nhiều học trò quý mến.
Có được những điều đáng quý đó có lẽ vì tôi luôn thương mến, tôn trọng và không phân biệt họ. Không chỉ làm cô giáo, tôi còn muốn được làm chị, làm bạn với học trò của mình. Điều mà ba tôi, khi còn đứng trên bục giảng đã làm đối với những người học trò yêu quý của mình.
Tấm lòng của tôi nhiều khi mất rất nhiều thời gian mới chạm đến được sự thấu hiểu của những học trò "đặc biệt". Nhưng tôi nhận ra rằng sớm hay muộn chân tình của tôi đều được đền đáp xứng đáng. Các bạn cùng khóa hay than phiền về công việc của họ cùng nhiều câu chuyện đắng cay do học trò mang lại.
Dù thu nhập từ nghề giáo không được như mơ ước nhưng tôi chưa bao giờ muốn bỏ nghề. Không phải ai học sư phạm cũng đều có môi trường giảng dạy tốt như tôi. Tôi quá may mắn khi luôn thấy yêu nghề, yêu học trò, luôn háo hức trước mỗi giờ lên lớp.
Hôm nay là ngày dành cho nhà giáo, trong đó tôi. Tôi có hai điều ước: đầu tiên tôi mong các thầy cô yêu nghề và sống được với nghề, tiếp đó là mong sao tất cả học sinh, học viên dành những chân tình thực sự cho thầy cô.
Sự chân tình mới là món quà lớn nhất mà chúng tôi mong nhận được. Tôi cũng nhân đây cám ơn các học trò của mình, những người đã giúp việc giảng dạy của tôi trở thành một niềm đam mê, chứ không chỉ là một phương thức kiếm sống.
>>Xem thêm: 'Giáo viên nhận phong bì tối về dằn vặt, rơi nước mắt'
Chia sẻ bài viết của bạn về ngày Nhà giáo Việt Nam tại đây.