Pan Zhongyong và vợ, Zhu Muqun, là hai nhân viên duy nhất của trung tâm giáo dục Bình Dư ở ngôi làng hẻo lánh của tỉnh Quý Châu. Pan là giáo viên, còn Zhu chịu trách nhiệm hậu cần.
Hơn 20 năm qua, cặp vợ chồng đã hỗ trợ ước mơ tới trường của các học sinh huyện miền núi Trấn Viễn, thuộc Châu tự trị dân tộc Miêu và dân tộc Đồng Kiềm Đông Nam, tỉnh Quý Châu. Cả hai dạy dỗ, nấu ăn và chăm sóc cho hàng chục học sinh.
Trung tâm hiện có 20 em tiểu học và mẫu giáo. Hơn 300 em đã theo học tại đây trong hai thập kỷ qua và một số thậm chí còn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Pan và vợ đều là người địa phương, kết hôn năm 2002 rồi quyết định cống hiến tuổi xuân của mình cho nền giáo dục quê nhà. Trong lúc Pan dạy học, vợ anh nấu ăn và hướng dẫn các em nhỏ các kỹ năng thiết thực hơn.
"Không có trung tâm này, hàng ngày các em phải đi bộ vài km trên những con đường đất núi", Pan nói.
Năm 2000, Pan tốt nghiệp trường sư phạm và bắt đầu công việc của một giáo viên tại trung tâm giáo dục Bình Dư. Anh là giáo viên toàn thời gian đầu tiên tại đây. Anh từng rời đi do điều kiện ở đó nghèo nàn. Ngày ấy, trung tâm chỉ có ba phòng và không có sân chơi.
Sau khi tâm sự chuyện này với cha, Pan đã thay đổi ý định. "Con sinh ra ở đây. Nếu không muốn gắn bó thì chẳng ai muốn. Đừng quên tại sao con chọn học sư phạm", Pan nhớ lại lời cha dặn.
Những lời nói của cha đã tái khẳng định quyết tâm giảng dạy của Pan. Vì thế, anh dành gần như toàn bộ sức lực để chuẩn bị các lớp học và đảm bảo mỗi học sinh đều nhận được sự quan tâm, hướng dẫn phù hợp. Điểm số của học sinh dần dần được cải thiện và Pan đã giành được một số giải thưởng về chuyên môn. Một hiệu trưởng trường tiểu học đã thuyết phục Pan về dạy nhưng anh từ chối.
"Dân làng tin tưởng tôi và xem tôi như người thân của họ. Tôi cần ở đây", Pan nói.
Cha mẹ của hầu hết học sinh đều làm việc tại thành phố và các em được chuyển đến sống với ông bà hay họ hàng. Vợ chồng thầy Pan giống như cha mẹ, che chở và bảo vệ chúng.
Số lượng học sinh của trung tâm giáo dục Bình Dư những năm gần đây đang giảm xuống. Học sinh tiểu học và trung học được miễn học phí, còn với mầm non, Pan chỉ thu mỗi em số tiền tương đương 6 USD mỗi kỳ.
Nhờ nỗ lực xóa đói giảm nghèo của chính phủ trong những năm qua, trung tâm giáo dục đã được cải tạo, với một con đường mới và một sân bóng rổ.
Pan hy vọng có thêm nhiều giáo viên trẻ hơn tới dạy tại trung tâm vì anh không quen vận hành các thiết bị kỹ thuật số. "Tôi sẽ ở đây đến khi không còn học sinh nào. Đó là lời hứa cách đây 20 năm và tôi định giữ lời đến khi không còn cần thiết nữa", Pan nói.
Bình Minh (Theo China Daily)