Chỉ thị về giấy đi đường mới được TP Hà Nội ban hành vào ngày nghỉ khiến sáng nay (9/8) nhiều doanh nghiệp cho biết không kịp trở tay. Toàn bộ nhân viên văn phòng Công ty Vihelm, đơn vị sản xuất mặt nạ chống Covid-19, đã làm việc trực tuyến tại nhà, nhưng bộ phận sản xuất trực tiếp thì bắt buộc phải tới xưởng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - đại diện Công ty Vihelm cho biết, từ sáng tới giờ, bộ phận văn phòng công ty "chạy đôn chạy đáo" để tìm hiểu quy định và bổ sung giấy tờ cho nhân viên khối sản xuất để kịp đi làm.
Theo ông, doanh nghiệp ủng hộ quyết định siết chặt của thành phố để phòng dịch, hạn chế người ra đường không đúng mục đích và họ chấp hành, tuân thủ nghiêm, nhưng cách triển khai còn bất cập.
"Nhìn dòng người ùn tắc tại một số trạm, chốt kiểm dịch sáng nay ở Hà Nội tôi thấy rất lo lắng. Nếu có F0 trong dòng người ấy thì nguy cơ lây nhiễm rất lớn", ông Đạt chia sẻ.
Tương tự, doanh nghiệp phân phối, siêu thị ở Hà Nội cho biết họ cũng gặp khó và lúng túng trước quy định siết giấy đi đường của thành phố. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, sáng nay bản thân phải tới phường Mỗ Lao, Kiến Hưng, nơi hai siêu thị bà phụ trách để tìm hiểu thủ tục giấy tờ. Tại đây bà được cán bộ phường hướng dẫn mẫu xác nhận lịch làm việc, lịch phân công công việc đúng "chuẩn".
"Hiện chúng tôi làm giấy này theo hướng dẫn của phường, nhưng họ cũng hướng dẫn dựa theo kinh nghiệm chứ chưa có một mẫu chuẩn chung nào của thành phố về việc này. Doanh nghiệp về hoàn thiện, cũng chưa rõ có đạt yêu cầu để họ ký, đóng dấu trong hôm nay, kịp ngày mai có giấy cho anh em nhân viên đi làm hay không", bà băn khoăn.
Tổng giám đốc Công ty BRG Retail Nguyễn Thái Dũng cũng cho hay, hôm nay công ty gặp khó khi xin xác nhận giấy đi đường cho nhân viên tại UBND phường. Bởi theo ông, bản thân cán bộ phường cũng đang rất lúng túng khi phải ký xác nhận cho hàng trăm người lao động và không biết được phương án bố trí lao động như thế nào là hợp lý. Do đó, ông Dũng cho rằng, thành phố nên có cách làm phù hợp hơn để tránh thêm thủ tục cho doanh nghiệp, người dân.
Chị Nguyễn Phương Hạnh - chủ một siêu thị mini tại Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết, siêu thị mini của chị khả năng sẽ phải đóng cửa ít nhất đến sáng mai vì nhân viên không thể qua các chốt kiểm soát do chị chưa thể hoàn tất giấy xác nhận của chính quyền cho 4 nhân viên.
Trước bất cập trên, Đại diện Công ty Vihelm kiến nghị, quyết định đưa ra cần có lộ trình, thông báo trước và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về cách thức thủ tục, biểu mẫu, cách thức đăng ký... để tránh lúng túng cho cả người bị kiểm tra và bên kiểm tra.
Trong khi đó, bà Kim Dung cho biết, theo hướng dẫn hiện nay của chính quyền địa phương thì lịch làm việc, lịch trực hay văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị... cần có xác nhận ở phường cũng đều gồm các thông tin cá nhân, nơi làm việc, bộ phận làm việc. Như vậy, một phần thông tin này đã trùng với giấy đi đường theo mẫu chung của thành phố ban hành tuần trước.
"Nếu đã trùng lắp như vậy thì tại sao không "tích hợp" hai loại giấy này là một, đỡ thủ tục, tiết kiệm cho doanh nghiệp, người lao động cũng không phải có quá nhiều giấy tờ tại mỗi chốt, trạm kiểm soát phòng dịch", bà Dung nêu quan điểm. Bởi với quy định mới ban hành này, mỗi người dân khi qua chốt kiểm soát cần ít nhất 3-4 loại giấy tờ, gồm giấy đi đường theo mẫu của thành phố; giấy tờ cá nhân (CCCD/CMTND), lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài kiến nghị cần mẫu giấy xác nhận thống nhất chung của thành phố, các doanh nghiệp cũng đề xuất, thành phố cần đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ, thống nhất một nền tảng khai báo y tế, phòng dịch bằng mã QRcode, trong đó tích hợp các thông tin cá nhân của người lao động. Việc này vừa tiết kiệm cho doanh nghiệp, đơn giản cho người dân và cán bộ thực thi; cũng hạn chế tiếp xúc tránh lây nhiễm tại các trạm chốt phòng dịch.
Theo quy định mới được TP Hà Nội ban hành chiều tối 7/8, ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Việc siết giấy đi đường trong bối cảnh số ca mắc mới của Hà Nội gần đây liên tục gia tăng, dao động 50-70, ngày cao nhất hơn 100, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ tư là 1.783.
Đến trưa 9/8, cả nước ghi nhận 211.579 ca mắc Covid-19 từ đợt dịch bùng phát cuối tháng 4. Trong đó, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 2.005.
Anh Minh