"Những gì diễn ra trên thực tế sẽ được đặt lên bàn thảo luận, vì các cuộc họp của ASEAN đều có phần trao đổi về vấn đề khu vực và quốc tế", Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hôm nay nói trong họp báo quốc tế về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (HNCC 36).
Ông Dũng trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có nêu diễn biến gần đây trên Biển Đông với các đối tác trong khu vực. Ông khẳng định các lãnh đạo ASEAN không né tránh vấn đề này.
HNCC 36 dự kiến diễn ra vào ngày 26/6, theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19.
Trung Quốc từ đầu năm liên tiếp có các hành động khiêu khích trên Biển Đông, trong bối cảnh các nước trên thế giới dồn lực chống Covid-19. Bắc Kinh tuyên bố lập cái gọi là các quận hành chính "quản lý" Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá; tuyên bố việc thu hoạch rau ở Hoàng Sa có thể giúp củng cố yêu sách trái luật quốc tế; gửi các công hàm đến Liên Hợp Quốc, đòi yêu sách Tứ Sa, có phạm vi rộng hơn "Đường lưỡi bò". Là nước có lợi ích ở Biển Đông, Việt Nam đều lên tiếng phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc.
Thứ trưởng Dũng cho biết trong HNCC 36 mang tính nội bộ này, các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về xây dựng Cộng đồng của khối trong 6 tháng cuối năm; định hướng hợp tác với các đối tác bên ngoài, thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế trong bối cảnh hiện nay và biện pháp ứng phó với Covid-19 để sớm phục hồi. Khi các nước lớn gia tăng cạnh tranh, ASEAN nhất trí duy trì quan điểm riêng về các vấn đề liên quan để bảo đảm lợi ích của Hiệp hội và không chọn bên.
Về thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Dũng cho hay đến nay hai bên chưa tổ chức cuộc họp nào do ảnh hưởng của đại dịch. Trong cuộc họp gần nhất vào tháng 10/2019 tại Đà Lạt, hai bên nhất trí chuẩn bị thực hiện vòng đọc lần hai văn bản dự thảo COC. Vào ngày 1/7, ASEAN và Trung Quốc sẽ bàn vấn đề này trong cuộc họp của các quan chức cấp cao (SOM) của hai bên.
Đề cập hình thức họp trực tuyến, Thứ trưởng Dũng cho biết ASEAN từng mong muốn áp dụng hình thức này từ lâu, nhằm giảm chi phí đi lại của các đại biểu. Sau khi tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ đầu năm 2020, Việt Nam đánh giá các cuộc họp diễn ra suôn sẻ, nhờ chất lượng kỹ thuật tốt. Trở ngại duy nhất là ASEAN sẽ phải sắp xếp thời gian hợp lý để họp với các đối tác ngoài khu vực, trong họp Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) sắp tới.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì thêm một hội nghị cấp cao (ASEAN 37) vào cuối năm nay.