Kể từ tập Chuông Lá (1999), lần đầu tác giả tái xuất với cuốn thơ hơn 100 bài, gồm những tác phẩm mới do anh sáng tác qua hơn 20 năm. Vốn thích tìm hiểu về tôn giáo, nhất là đạo Phật, những bài thơ của Cao Xuân Sơn khi nói về con người, cuộc sống... đều đậm chất thiền, triết lý nhân sinh.
Thời gian - khái niệm tưởng khó nắm bắt - thể hiện qua thơ anh đầy đủ cung bậc, là những hình ảnh khi cụ thể, lúc trừu tượng. Trong bài Dấu chân ta về ấm những chân trời, độc giả như thấy hình ảnh một người nếm đủ sương gió để dám ngoái nhìn quá khứ:
"Mê mẩn theo hoa rập rờn lối bướm
Bay bay bay... và gặp lại sững sờ
Một chú nhóc tóc râu ngô khét nắng
Thả trâu vào chiều nằm giữa cỏ Tây du..."
Từng câu chữ chở hoài niệm của thi sĩ về tuổi thơ qua, tuổi già sắp đến. Một chút gì ngưỡng vọng, tiếc nuối ngày xanh nhưng đồng thời vẫn dấn bước vào con đường phía trước:
"Thì còn biết ước ao gì hơn thế
Chuyến lữ hành không mỏi tới niềm vui
Có thể vực, có thể đèo. gió mưa... có thể
Dấu chân ta về ấm những chân trời"
Không che giấu sự yếu đuối và bất lực của bản thân trước thời gian, cái chết, Cao Xuân Sơn khắc họa vạn vật biến thiên, vận hành qua nhiều câu thơ:
"Nhoàng một cái đã Tết
Trách chi người mau già
Vèo một nhánh gió quét
Mình thành... ô la la!
Đã lá rồi thì hoa
Rũ hoa, xin vào quả
Kìa, lơ phơ nỗi cỏ
Ngút xanh bờ thiên thu"
(Cỏ)
"Mùa nhấp nháy, lại đã mai tràn phố
Thời gian đi bằng những dấu hài vàng
Nhếnh nhoáng phận người tù mù cuốn vở
Hheo may ậm ờ úp mở số trang"
(Mùa nhấp nháy)
Cảm nhận sự vô thường, thi sĩ không đặt tham vọng lý giải những câu hỏi cuộc đời, anh dùng thơ tìm lại suy nghĩ nội tại, trở về an trú trong nội tâm:
"...Sớm muộn rồi kịp tuốt
Cho chuyến bay đời mình
Ăn năn thì cũng tốt
Cáu giận cũng thường tình
Nhưng có lẽ hay nhất
Mỉm cười và lặng thinh"
(Chờ bay ở Nội Bài)
Thơ Cao Xuân Sơn thể hiện thái độ sống rõ ràng, dứt khoát của người trải đời, đã nhìn thấy những quy luật nhân quả, chọn con đường thiện lương để theo đuổi, như bài thơ tặng con gái:
"... Xưa nay trăm nghìn tài sắc
Kkhông ngoài hai chữ thiện lương
Cứ thế mà đi, con gái
Cả khi mình con một đường"
(Dặn con gái).
Học cách nhìn đời bằng con mắt điềm tĩnh, Cao Xuân Sơn vẫn mất cân bằng, rung động khi yêu. Ẩn dụ "tình" trong trang viết của anh có khi đơn giản nhưng bất ngờ, gợi nhớ. Đến Italy, ngắm tháp nghiêng Pisa, anh tự trào:
"Kiếp người lóa nắng trắng sương
Tử sinh hun hút đoạn trường giá băng
Yêu là tự mất thăng bằng
Là dan díu cái vĩnh hằng chung chiêng"
(Một mình một dáng Pisa).
Hay nồng nàn, kiêu bạc ngay cả khi nếm trái đắng:
"... không thể khác, thì đành không thể khác
Giận là thương. cho là nhận ơ tình...
Những được mất âm thầm xin giấu cất
Dâu bể mặc lòng, hoa cỏ phù sinh"
(Mê khúc).
Tuy vậy, tình yêu trong thơ Cao Xuân Sơn không chỉ dành cho bóng hồng hiện hữu, "nàng thơ" của anh có thể là dáng dấp những cung đường của quê hương xứ sở, những miền đất trên thế giới anh có dịp ghé qua. Hà Nội cổ và thơ với loa kèn trắng tháng tư, Ninh Bình và đêm Nho Quan, tiếng ếch kêu đêm Lăng Cô, Đà Lạt mùa phượng tím hay Moskva ngày lộng gió:
"Trăm năm với nghìn năm chớp mắt
Vĩnh cửu ngân dài một tiếng chuông
Nnước Nga chào tôi bằng một ngày nắng tốt
Lịch sử đi nhón gót giữa Hồng trường
Có nhau là nợ duyên, gặp nhau là ân phước
Liệu cần chăng, ngày phán xử cuối cùng?
Tôi ngồi xuống lặng thầm nghe đá hát,
Khúc hào hùng, bi tráng, khúc rưng rưng..."
(Tôi ngồi xuống lặng thầm nghe đá hát).
Trong làng viết, Cao Xuân Sơn là tên tuổi bền bỉ với dòng sáng tác dành cho thiếu nhi, từng xuất bản nhiều tập thơ, truyện trẻ em như: Con chim xanh ngoài ô cửa (truyện), Hỏi lá hỏi hoa, Bố vắng nhà, Con chuồn chuồn đẹp nhất (thơ)... Sinh năm 1961, quê Hà Nam, định cư Sài Gòn từ năm 1980, từng gắn với nghề báo, viết ký ở các nông trường, lâm trường, công trường, từng xung phong sang Campuchia viết về quân tình nguyện, Cao Xuân Sơn làm thơ trên mọi nẻo đường như ghi lại những dòng nhật ký đầy cảm xúc. Khi sáng tác cho người trưởng thành, thơ anh vẫn giữ nét trong trẻo,, đồng thời đậm hơi thở cuộc đời, vần điệu đẹp, đa dạng thể loại - từ thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ đến tự do - ý tứ chân phương, ngôn từ giàu hình ảnh, sáng tạo nhưng cẩn trọng.
* Cao Xuân Sơn - ông hộ pháp của thơ thiếu nhi
Về Bấm chân qua tuổi dại khờ, nhà văn Trần Đức Tiến cho biết: "Hai mươi năm Sơn không in thơ. Nhưng mình vẫn may mắn được nghe, được đọc thơ Sơn trong những lần bạn bè gặp gỡ, từ những trang sổ tay. Vẫn biết Sơn sống chết với thơ. Chỉ viết, mà không bận tâm lắm đến chuyện công bố tác phẩm của mình, chính là khi nhận thức và tài năng của nhà thơ đã bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn đủ độ chín để tự tin trình bày những sự thật trong tâm hồn... mà không e ngại bất kỳ tác động nào từ ngoại cảnh. Chỉ những dòng chữ được rút ra từ gan ruột người viết như thế, mới có hy vọng trở thành thứ nghệ thuật chân chính".