Thoại Hà -
- Sau "Hỏi lá hỏi hoa" ra đời năm 1995 (tái bản nhiều lần), tiếp đó là "Bố vắng nhà" (1997) và "Chuyện vui về ông trời" (in chung, 1997), bẵng đi gần 10 năm, đến nay mới thấy anh ra mắt cuốn "Mèo khóc chuột cười". Đâu là lý do của sự đứt quãng này?
Nhà thơ Cao Xuân Sơn. Ảnh: X.S. |
- Trời ơi, điện nước lắm khi còn bị cúp bất thình lình nữa là! Dường như thi ca là thứ duy nhất mà người ta không phải cứ muốn là được. Viết cho thiếu nhi là một "đặc ân" trời cho nhưng cho không đều. Không phải cho tất cả mọi người đã đành, cũng không phải ai được cho thì được mãi. Hôm qua cũng như hôm nay, bầu trời thi ca vốn có nhiều sao xẹt, chỉ lung linh một tích tắc nào đó rồi mất hút. Vậy cũng nên tôn trọng cái "quyền được mất hút" đó chứ?
Nói cho vui vậy thôi. Kỳ thực là trong khoảng thời gian "bẵng đi" như bạn nói, tôi vẫn lai rai viết thơ cho thiếu nhi và cả thơ không phải cho thiếu nhi. Thỉnh thoảng gửi đăng báo, nghĩa là vẫn cố gắng... thở. Dù chỉ thở hi hóp, hi hóp.
- Duyên nợ nào khiến anh gắn bó với công việc sáng tác thơ, truyện cho thiếu nhi?
- Đừng nói "duyên nợ", nghe... hãi lắm. Cứ coi như tôi được làm cái việc mình thích, thế thôi. Có thể là do mình hợp, mình khoái chuyện trò với trẻ con hơn, hoặc có thể trong con người mình luôn đồng hành một thằng bé chăn trâu tự ngày xưa, một mực khăng khăng không chịu làm người lớn. Đến khi mình có con thì hình như cái thằng bé chăn trâu ngày nào tìm được bạn, thế là, thay vì làm thơ cho chính mình, "nó" bắt đầu rủ rỉ rù rì với bạn của "nó".
Đông qua, xuân tới, cũng có nhiều thứ khác cám dỗ mình, chẳng hạn truyện ngắn, truyện dài hay những trường thiên tiểu thuyết mổ xẻ các vấn đề vĩ mô của nhân loại chẳng hạn, viết dở cách mấy thì nghe cũng có vẻ... oai hơn và nhà văn "nhớn" hơn là viết cho thiếu nhi. Bạn tin không, nhiều người, kể cả nhiều nhà văn hay "rắp tâm" trở thành nhà văn vẫn đang nghĩ thế đấy! Chính tôi cũng không dưới một lần lăn tăn trước những ngã rẽ, nhưng rồi cuối cùng thì dứt khoát chỉ đi theo thơ - thơ người lớn lẫn thơ thiếu nhi, thơ trữ tình lẫn thơ... trào phúng. Những gì đã viết hay sẽ viết ra, là kiệt tác hay là cỏ rác chưa biết, nhưng với tôi, chưa hay nhưng mà ngắn luôn tốt hơn vừa dài vừa loàng xoàng.
Thằng Nhóc phố tôi
Nhóc không cha mẹ, cửa nhà
Người ta gọi "Nhóc" mãi mà thành tên
Vỉa hè quán nhậu chật nêm
Chiều chiều nhóc lại mon men từng bàn
Không xin xỏ, chẳng kêu than
Không nài nỉ, chẳng mẹt hàng bán mua
Khách cười nói, khách say sưa
Thản nhiên, Nhóc... đấm lưng cho từng người
Thản nhiên, không đợi ai mời
Đôi tay nhỏ xíu miệt mài vòng quanh
Và li cứ cụng lanh canh
Lon bia, vỏ rượu thoắt xanh, thoắt vàng
Nhiều hôm nắng lụi, chiều tàn
Rã tay. Mỏi cẳng. Túi hoàn rỗng không!
Thế là bữa ấy toi công
Thế là đêm ấy ròng ròng sao rơi.
Có chăng Tiên, Bụt trên trời?
Biết không, thằng Nhóc phố tôi mơ gì?
Một lần Nhóc kể tôi nghe
Nó mơ Tiên, Bụt kêu về...đấm lưng!
(Bài thơ Thằng Nhóc phố tôi, trích trong tập thơ thiếu nhi Mèo khóc chuột cười, NXB Giáo dục, tháng 7/2006)
- Làm thơ cho người lớn và làm thơ cho trẻ con, mảng nào theo anh là khó hơn?- Đừng so sánh bầu trời trong mắt những loài chim. Ai nói làm thơ dễ, người đó thật... đáng ngờ. Làm vè cho ra vè còn khó, huống chi thơ? Những thứ giông giống với thơ hay người ta đè nó ra mà gọi là thơ luôn nhiều hơn thơ. Tương tự, người có khả năng viết ra những dãy ký tự đúng cú pháp và đặt chúng cạnh nhau liên tục qua dăm ba trang sách không có nghĩa là đã có văn. Trong cơn hứng khởi, thơ người lớn hay thơ cho thiếu nhi cũng mang lại cho tôi những khoái cảm như nhau và bắt tôi mướt mồ hôi như nhau.
- Anh làm thế nào để cân bằng tâm thế khi vừa sáng tác cho thiếu nhi, vừa sáng tác cho người lớn?
- Điều này hết sức tự nhiên thôi, tôi... chả phải làm gì cả. Là kẻ tôn thờ hết thảy những gì thuộc về tự nhiên, tôi ghét bày vẽ, xếp đặt dù đôi khi, vì xã giao, cũng phải tỏ ra thán phục sự... khéo tay của ai đó. Tôi để mặc cho cảm hứng đến và lắng nghe sự mách bảo của nó. Nhiều bài thơ của tôi, cả thơ người lớn lẫn thơ thiếu nhi, vì thế lâu rồi vẫn trong trạng thái dở dang, chưa có đoạn kết. Dẫu vậy, tôi chẳng mảy may sốt ruột vì đã qua cái tuổi dại dột để làm những việc như ai đó thích" nắm tóc mạ kéo lên cho thành lúa" vậy.
- Trên chặng đường hơn hai mươi năm làm thơ của mình, những điều gì đọng lại trong anh nhất?
- Biết nói gì với bạn đây? Thơ ca cho người ta nhiều mà cũng hút tinh lực của người ta ghê gớm! Tôi biết có những người bị "thơ làm" đến thân tàn ma dại, lại cũng biết có những câu thơ cứu rỗi bao số phận, cứu rỗi những linh hồn. Không ai khác mà chính những câu thơ sương khói bâng quơ thuộc lòng từ hồi chưa biết chữ hay mới ê a học chữ đã cho tôi một chỗ vịn tin cậy mỗi khi tôi gặp tai ương. Bởi vậy nên mấy chục năm "dan díu" với thơ, tôi thấy mỗi khi viết xong một bài thơ đắc ý cho thiếu nhi là những phút giây mình gần với... thần thánh nhất.
- Anh nghĩ gì về những người viết cho thiếu nhi cùng thế hệ với mình so với thế hệ đầu tiên gồm những nhà thơ như Võ Quảng (Măng tre), Phạm Hổ (Chú bò tìm bạn), Trần Thanh Địch (Đôi tai mèo), Định Hải (Bài ca trái đất)...?
- Những người bạn vừa kể và nhiều người khác nữa là thuộc hàng "trưởng thượng" trong làng thơ thiếu nhi rồi. Họ mãi mãi là những người thày khả kính đối với tôi. Lứa chúng tôi thực sự không nhiều người chuyên tâm để thành danh với thơ thiếu nhi. Theo tôi, rất hiếm người dám so đọ với các bậc "lão tiền bối" về "thành tựu suốt đời", nhưng ở mỗi gương mặt, ít ra cũng có dăm ba bài thực sự hay và lạ, hoàn toàn có thể đưa vào sách giáo khoa và các tuyển tập thơ ca cho thiếu nhi. Sẽ không quá khó để làm một tuyển tập thơ thiếu nhi dày dặn, bề thế và độc đáo của nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam mà tôi tin chắc rằng, nó có đủ phẩm chất để đặt bên cạnh bất cứ một tuyển tập thơ thiếu nhi của quốc gia nào trong khu vực cũng như trên thế giới.
- Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nói: "Ở ta, người viết cho thiếu nhi nói chung là thiệt thòi, ngay diễn đàn để công bố tác phẩm cũng khó kiếm". Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Đó là một nhận định có tính khái quát cao. Tình trạng này là có thật và người gánh chịu thiệt thòi lớn nhất chính là trẻ em. Nhiều năm qua, nỗ lực đáng trân trọng nhất để chống lại sự "tuyệt chủng" của nền thơ ca cho thiếu nhi chính là từ bản thân mỗi nhà thơ. Đồng hành cùng họ là một số nhà xuất bản như Kim Đồng, Giáo Dục, Trẻ và đặc biệt là một số tờ báo thiếu nhi như Khăn Quàng Đỏ, Thiếu Niên Tiền Phong... Tuy nhiên, trong một môi trường văn hóa bị ô nhiễm từ nhiều nguồn, liên tục trong nhiều năm, dường như những nỗ lực đó vẫn là chưa đủ cho việc đưa thơ ca vào thế giới trẻ thơ một cách hiệu quả.
- Những ai là fan đặc biệt của thơ anh?
- Các con tôi (và dĩ nhiên, luôn cả... mẹ của chúng) chính là những độc giả đầu tiên của thơ tôi. Làm thơ cho người lớn, nhất là thơ tình, tôi thường bị những "độc giả đặc biệt" này chê là viết... khó hiểu. Thơ thiếu nhi thì khác, vừa nhẹ lòng, vừa "vui cửa vui nhà". Ở mấy tập trước, cậu con trai là động lực chính đã đành, cũng thường là nhân vật chính. Còn ở tập Mèo khóc chuột cười, thay vào đó là cô con gái út năm nay lên 8 và lũ bạn của nó.
Cái tứ thơ trong bài "Mở sách ra là thấy" in trong tập mới nhất Mèo khóc chuột cười được gợi ý từ một nỗi lo sợ vu vơ của con gái tôi. Cách nay ít lâu, cháu sợ đọc sách nhiều sẽ... cận thị như bố. Trong bài này, tôi vừa tìm cách "dụ dỗ" cháu đọc sách bằng cách kích thích trí tò mò vốn có của trẻ con:
Đôi khi kẻ độc ác
Lại không là cọp beo
Cũng đôi khi đói nghèo
Chưa hẳn người tốt bụng...
Để rồi đi đến kết thúc bài thơ bằng cách "chữa" lại quan niệm tai hại "đọc sách nhiều thì cận thị", rằng:
Ta "đi" khắp thế gian
Chỉ bằng hai con mắt
Sẽ "cận thị" suốt đời
Những ai không đọc sách!
- Hồi bé, cuốn sách nào để lại ấn tượng trong anh nhất?
- Đấy là bộ "Tam quốc diễn nghĩa" mà mỗi chương luôn kết thúc với Lời bàn của Mao Tôn Cưong bằng thơ. Bộ sách đó của ông nội tôi, cất kỹ trong tủ từ bao giờ, một hôm tôi tình cờ đọc được. Thật cứ như bùa mê thuốc lú! Chiều chiều, tôi lén cạy khóa tủ của ông, dắt cạp quần một quyển trước khi đi chăn trâu. Tôi đã ngã từ lưng trâu xuống đất nhiều lần vì mải mê với những Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Tử Long... Nhân vật tôi mê nhất là Gia Cát Lượng, nhưng nhân vật khiến tôi đặc biệt phục tài và cảm thương khôn xiết vì lỡ thời, bạc phận chính là Phụng Sồ tiên sinh Bàng Thống.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ về Tào Tháo, tôi vẫn nổi gai ốc vì... sợ, bạn tin không?
Thoại Hà thực hiện