Thoại Hà -
Nhà văn Trần Đức Tiến sinh ngày 2/5/1953. Ông quê ở làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, sống và làm việc ở Hà Nội từ 1970 đến 1986. Cuối 1986, ông chuyển vào sống thành phố biển Vũng Tàu cho đến nay.
Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có: Linh hồn bị đánh cắp (tiểu thuyết, 1990 - in lại 2006), Bụi trần (tiểu thuyết, 1992 - in lại 2004, 2006), Bão đêm (tập truyện ngắn, 1993), Mười lăm năm mưa xói (tập truyện ngắn, 1997), Tuyệt đối yên tĩnh (tập truyện ngắn, 2004), Lỏng và tuột (tập truyện ngắn, 2010), Vương quốc vắng nụ cười (tập truyện thiếu nhi, 1993), Dế mùa thu (tập truyện thiếu nhi, 1997), Thằng Cúp (tập truyện thiếu nhi, 2001), Làm mèo (truyện vừa thiếu nhi, 2003), Trăng vùi trong cỏ (tập truyện thiếu nhi, 2006)…
Trong giới văn chương, Trần Đức Tiến được xem là người có duyên với các cuộc thi. Ông sở hữu bộ sưu tập hàng chục giải thưởng như: giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990), giải nhất truyện ngắn báo Người Hà Nội (1986), giải nhất cuộc thi Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội (1993), giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004), giải nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục - Đào tạo (2005), giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức...
Nhiều thông tin về con người, sự kiện, văn hóa, lịch sử của Vũng Tàu được tìm thấy trong sách ghi nhận các kỷ lục. |
Tại Vũng Tàu cuối tuần qua, Vietkings trao cho ông danh hiệu "Nhà văn đoạt nhiều giải thưởng văn học nhất" thành phố này. Đây là một trong 108 danh hiệu kỷ lục trên nhiều lĩnh vực được trao tặng tại thành phố biển.
Ngoài danh hiệu trên, Vũng Tàu còn có các kỷ lục khác liên quan đến lĩnh vực văn học, học thuật như: "Từ điển giải thích ngôn ngữ dân tộc bằng chữ quốc ngữ đầu tiên", trao cho cuốn Đại nam Quấc âm tự vị do Huỳnh Tịnh Của (1834-1907). Huỳnh Tịnh Của vốn là sinh ra ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ điển do ông biên soạn gồm 2 quyển, in năm 1880 và 1885, dày 1.210 trang, tổng hợp kho tàng từ vựng phong phú trên địa bàn cả nước, kể cả những từ vựng cổ.
Cuốn từ điển này là một minh chứng đánh dấu trình độ phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc ở một thời kỳ nhất định, và được xem là tư liệu quan trọng cho người nghiên cứu ngữ âm lịch sử, góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành một công cụ phổ biến văn hóa, truyền bá học thuật trong những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở miền Nam.
Còn tác giả Bùi Văn Toản được trao cùng lúc hai danh hiệu "Người có nhiều công trình nghiên cứu về nhà tù Côn Đảo nhất" và người thực hiện "Quyển sách về tù nhân Côn Đảo phong phú nhất".
Dịp này, một bộ sách dày dặn, giới thiệu đầy đủ về các kỷ lục mới mang tầm địa phương và quốc gia của thành phố biển được ra mắt với tên Kỷ lục Bà Rịa - Vũng Tàu 2009 - 2011.