Làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật ngày 11/6, Ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đến nay dự án đã triển khai thi công 27/36 gói thầu xây lắp trên tuyến chính. Phần đường đã hoàn thành công tác cắm bấc thấm chỉnh tuyến, gia tải, xử lý đất yếu 10/19 gói thầu. Phần cầu đã thi công thi công 161/283 mố trụ, hoàn thành 41/216 nhịp...
Theo chủ đầu tư, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc đắp đập ngăn mặn đã gây khó khăn trong công tác vận chuyển vật liệu, cấu kiện đúc sẵn. Ngoài ra, nguồn cát, đá khan hiếm mùa hạn mặn cũng khiến việc thi công gặp nhiều trở ngại.
"Hiện dự án đạt gần 50% khối lượng, chúng tôi cam kết sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng", ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định.
Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT, bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án. Trong đó, cơ cấu vốn của đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ gồm 2.400 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 50%), phần còn lại do Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận huy động từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác.
Việc gộp hai dự án nhằm sử dụng được ngay phần vốn dự phòng còn dư của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận để giải phóng mặt bằng. Phương án này sẽ rút ngắn gần một nửa thời gian thực hiện, đảm bảo thông tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ năm 2021, hoàn thành năm 2022. Đồng thời, thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án cũng được rút ngắn từ 14 năm 8 tháng xuống 12 năm 6 tháng. Đề xuất đã nhận được sự đồng thuận cao của các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, được điều chỉnh dự án vào tháng 10/2019 và thực hiện theo hình thức PPP, hoàn vốn trong 22 năm với tổng mức đầu tư 4.758 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 932 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồi tháng 4, dự án được điều chỉnh sang hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2023.
Ông Trần Văn Dũng - Phó chủ tịch Tiền Giang cho biết, tỉnh sẵn sàng quản lý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ nếu được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải giao, như đang làm với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Sau khi kiểm tra một số gói thầu dự án, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá cao năng lực của chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã nỗ lực thi công đạt 50% tiến độ. Ông cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của nhà đầu tư cùng chính quyền địa phương, sau đó cùng lãnh đạo bộ tiếp tục xem xét.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng.
An Nam