"Quyết tâm làm thì mới hoàn thành tuyến cao tốc này tới Cần Thơ, đồng bộ với tuyến TP HCM - Trung Lương", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói khi kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại gói thầu XL13, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, sáng 8/3.
Thủ tướng chỉ đạo các bên liên quan phải xử lý tốt nguồn vốn cho dự án đúng tiến độ, chất lượng công trình; đồng thời đề nghị tỉnh Tiền Giang quan tâm, xử lý vấn đề vật liệu bị nhiễm mặn, tạo điều kiện để đơn vị thi công.
Tại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải lập phương án thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương nhằm giảm tai nạn giao thông, đồng thời có nguồn kinh phí tái đầu tư. Ngoài ra, Bộ này cần sớm có phương án thi công tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ, thông tuyến vào năm 2021.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, qua 11 tháng thi công, cao tốc đã đạt hơn 35% khối lượng công trình. Dự án đang giai đoạn xử lý nền đất yếu trên tuyến chính, đắp gia tải và xây các cầu.
Nhà đầu tư đã huy động vốn 3.400 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước hiện hỗ trợ cho dự án gần 2.200 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân vào dự án hơn 1.700 tỷ đồng.
Đối với vốn tín dụng, hiện liên danh các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với hạn mức cam kết tài trợ là 6.600 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn này được giải ngân vào ngày mai, 9/3.
Chủ đầu tư cho biết, do đang cao điểm mùa hạn mặn, nên nguồn vật liệu bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án. Đơn vị sẽ cố gắng thông tuyến cuối năm 2020, cho ôtô dưới 16 chỗ và xe máy lưu thông vào dịp Tết.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng.
An Nam