Đôi khi tôi lướt qua các trang mạng về xe cộ và tôi phải phì cười với những câu "khẩu quyết" về lên dốc phải đạp chân côn, chân thắng như nào, và những bài viết dài cả trang về chuyện "qua làn cho tài mới" (lên số lấy đà, về số vù ga...).
Tôi lái xe hàng chục năm nay và đã học lái xe ở cả Australia lẫn Mỹ. Vậy thì ở hai nước này người ta học lái thế nào?
Người dạy tôi lái xe là một thầy người Việt ở Australia. Thầy nói rằng lúc thầy đi thi lấy bằng dạy lái có một phần thi đặc biệt. Mỗi thí sinh phải hướng dẫn giám khảo làm một hành động nào đó bằng lời nói (tất nhiên là tiếng Anh) mà không được dùng cử chỉ, đồ họa hay bất kỳ thứ gì khác.
Thí sinh sẽ được chấm đậu nếu họ hướng dẫn xong thì giám khảo làm được hành động đó. Còn hành động đó là gì thì mỗi thí sinh tự quyết định và giám khảo không được biết trước.
Khi đó thầy tôi đã hướng dẫn giám khảo dùng một đôi đũa để gắp mì từ trong cái tô. Tất nhiên là thầy đã thành công rực rỡ khi bà giám khảo khoái chí ăn luôn miếng mì mà mình vừa gắp được.
Trí não của con người bao gồm một bộ nhớ, và bộ nhớ đó có nhiều loại khác nhau. Nếu như máy tính chỉ chứa thông tin bằng dãy số nhị phân thì não con người có trí nhớ từ ngữ, trí nhớ hình ảnh, trí nhớ cảm xúc, trí nhớ mùi hương, và trí nhớ cơ bắp (muscle memory). Ở ta thường học bằng trí nhớ từ ngữ, vì vậy nên khả năng lái xe của nhiều người rất kém, và tài xế càng mới thì càng kém.
Vì sao vậy? Tôi đọc phải câu "khẩu quyết" về cách đạp chân côn chân ga khi lên dốc mà phát điên. Đừng nói là nó hết sức tối nghĩa, mà bạn nhìn thấy cái dốc, ngồi nhớ ra câu khẩu quyết đấy, rồi ngồi đó "dịch" nó ra tiếng Việt thông thường, xong rồi trí não phải ra lệnh cho hai cái chân phải làm những gì thì tôi e là cái xe đã tuột dốc từ lâu lắm rồi.
Việc học lái xe thật ra là việc phải tạo ra một "tập thông tin" cho bộ nhớ cơ bắp. Khi bạn có đủ các tập tin đó thì cứ gặp trường hợp nào thì bạn sẽ dùng ngay phần trí nhớ cơ bắp đó mà làm việc.
Khi bạn nhìn thấy cái dốc, tín hiệu hình ảnh nhận được thì tập tin trí nhớ cơ bắp về việc lên dốc sẽ thực hiện các hành động đó ngay, hai chân sẽ đạp đúng chân côn chân ga mà không phải suy nghĩ thêm gì cả.
Chính vì vậy mà toàn bộ quá trình học lái xe của tôi ở Australia chỉ là mỗi ngày nghe thầy hướng dẫn bằng miệng, nhìn các dấu hiệu trên đường, làm theo, và lặp lại hành động đó để cơ bắp nhớ. Toàn bộ quá trình học diễn ra ở trên đường, và đi thi thì cũng phải lái xe ở trên đường để kiểm tra phản ứng của người thi ngoài đời thực.
Người mới lái thì toàn bộ trí nhớ cơ bắp đã đầy đủ rồi, họ không phải ngồi đó nhớ lời thầy dạy nữa. Vì vậy ai cũng có thể phản ứng đầy đủ, không ai cần phải chê bai ai cả.
Quan trọng hơn, mỗi người đi học đều được dạy tất cả các tình huống và các loại đường khác nhau, và luật lệ ở loại đường đó như thế nào thì đều đã được ghi nhớ trong bộ nhớ cơ bắp cả rồi, không cần phải suy nghĩ gì cả.
Các bạn lái xe ở Mỹ hay ở Australia đều biết, khi nhìn vào loại đường nào thì vận tốc cho phép là khoảng bao nhiêu, và có thể tự điều chỉnh mà không cần phải nhìn bảng ghi vận tốc. Khi vào cao tốc thì đi ở làn đường nào, tốc độ bao nhiêu thì cơ bắp đều đã nhớ, không cần phải tìm hiểu, suy nghĩ.
Việc các đường cao tốc mới mở ở Việt Nam đã gây ra một cuộc khẩu chiến giữa các tài xế chủ yếu là vì các tài xế đều không có bộ nhớ cơ bắp về việc chạy xe trên cao tốc.
Các cố gắng tuyên truyền chưa hiệu quả mấy, bởi vì các tài xế cần phải tự tạo ra một tập tin cho bộ nhớ cơ bắp về việc lái xe trên cao tốc, mà việc này thì hơi khó, nhất là khi họ chưa từng được dạy để học theo kiểu này.
Ở Mỹ, tiểu bang California có hệ thống đường cao tốc phải triển bậc nhất, với mỗi chiều cao tốc có 5-6 làn đường, và vận tốc tối đa lên tới 65 dặm/giờ, hay 104 km/giờ (trên thực tế ai cũng chạy cỡ 112- 128 km/giờ).
Khi một người di cư từ tiểu bang California tới chỗ khác thì họ chỉ phải đi ra Sở xe cơ giới (Department of Motor Vehicle) để đổi bằng. Còn ai ở bang khác tới California thì đều phải đi thi lại.
Đó là vì hệ thống cao tốc ở California rắc rối, to lớn và xe phải chạy vận tốc cao, không có bộ nhớ cơ bắp về việc chạy trên cao tốc thì lên cao tốc sẽ dễ gây tai nạn. Các tài xế mới sang vì vậy phải đi lấy bằng là như thế.
Các bạn đang học lái ở Việt Nam vì vậy nên dành thời gian để tập cho cơ bắp của mình quen lái. Còn những câu khẩu quyết đó thì nên vứt đi.
Ở đất nước của những chiếc xe hơi, chẳng ai học câu khẩu quyết nào cả mà toàn dân vẫn lái xe ùn ùn đấy thôi.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.