Thông tin được ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) nói tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang, ngày 26/5.
Ông Thi cho biết, sau gần 5 tháng thi công, hiện cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đạt 2,1% khối lượng công trình, trong khi tiến độ đề ra là 8,4%. Nguyên nhân do thiếu cát, nhà thầu không thể làm. "Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 2 triệu m3. Trong đó, cấp bách là tới tháng 6 cần khoảng 800.000 m3 cát để thi công nền", ông Thi nói.

Thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giữa cuối tháng 2. Ảnh: Cửu Long
Theo ông Võ Thanh Phong, đại diện Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - đơn vị thi công, giá cát hiện 180.000 đồng mỗi m3, tăng khoảng 30.000 đồng so với trước khi dự án khởi công. "Nhưng bây giờ chúng tôi có tiền cũng không thể mua đủ số lượng cát để làm", ông Phong nói và cho biết nhiều ngày qua, các công nhân và máy móc thi công lúc nào cũng chờ cát.
Việc cát khan hiếm do các địa phương đang siết chặt quản lý, tạm dừng cấp phép khai thác để tổng kiểm tra, khảo sát lại hiện trạng nguồn cát, hạn chế sạt lở... Còn theo cát chuyên gia, nguồn cát về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít, do các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong chặn lại.
An Giang và Đồng Tháp là hai địa phương được đánh giá có nguồn cát nhiều nhất ở miền Tây. Hiện có 10 đơn vị khai thác cát tại 5-6 mỏ trên sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn tỉnh An Giang. Năm nay, tỉnh này cấp phép khai thác 1,6 triệu m3.
Hồi tháng 3, An Giang tổ chức đấu giá khai thác thêm hai mỏ cát rộng 120 ha, tổng trữ lượng gần 4 triệu m3. Trong đó, mỏ cát 2,4 triệu m3 trên sông Tiền tại huyện Chợ Mới có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, được doanh nghiệp ở TP HCM trả giá 2.811 tỷ đồng. Còn mỏ cát 1,5 triệu m3 trên sông Hậu tại huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng, được doanh nghiệp tại địa phương trả giá 273 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, nguồn cát sông trên địa bàn tỉnh ngày càng ít nên hiện tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp bách của Trung ương và địa phương; một phần ít phục vụ các công trình dân dụng, nhằm bình ổn giá cát.
"Trước mắt, An Giang sẽ hỗ trợ 800.000 m3 cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; trong đó, ưu tiên hỗ trợ 100.000 m3 cát trong tháng 6 và tháng 7 cho nhà thầu để đắp nền tuyến cao tốc này đúng tiến độ", ông Bình nói.

Sơ đồ toàn tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ. Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công hồi tháng 1, do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư. Giai đoạn một, tuyến đường có 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Công trình này cơ bản xong trong năm 2022 và hoàn thành giai đoạn 1 năm 2023.
Đây là đoạn cuối trong 120 km cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ, sau dự án TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian từ Sài Gòn đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so 3-4 tiếng như hiện nay.
Cửu Long