Cuộc đấu giá mỏ cát diễn ra tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang ngày 26/3, với 19 doanh nghiệp tham dự. Mỏ trữ lượng hơn 2,4 triệu m3, diện tích 60 ha, ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng.
Là người tham gia đấu giá, ông Bùi Văn On, Phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (An Giang) cho biết, hôm đó có hai mỏ cát được tỉnh An Giang đưa ra đấu giá. Phiên đấu mỏ cát ở sông Tiền diễn ra buổi sáng, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, TP HCM...
Dự nhiều cuộc tương tự, ông On cho hay sau giá khởi điểm phía tổ chức đưa ra, ở mỗi phiên doanh nghiệp thường nâng giá một ít, chừng vài tỷ đồng, mục đích "thăm dò nhau". Tuy nhiên với mỏ cát này, vòng đầu tiên một doanh nghiệp từ TP HCM "hét" giá 400 tỷ đồng, gấp 55 lần giá khởi điểm.
Số tiền này nhanh chóng loại bỏ một số đối thủ. Từ vòng thứ 8 đến 15, giá đấu tiếp tục tăng mạnh 600 đến 1.000 tỷ đồng, số người tham gia rụng dần, chỉ còn vài người đấu. Ông On cố gắng theo đến vòng 29, mức trả tương đương 1.400 tỷ đồng nhưng cuối cùng phải rút lui.
"Tôi ráng trả giá để xem doanh nghiệp ở TP HCM mạnh cỡ nào nhưng chịu hết nổi. Cả đời tôi chưa chứng kiến cuộc đấu giá nào kinh hoàng như thế", ông On nói và cho biết cuộc đấu giá đến 12h mới dừng lại, ở vòng thứ 45.
"Họ bỏ giá 2.811 tỷ đồng, tính ra mỗi khối cát hơn một triệu đồng. Đây là điều không tưởng, còn mục đích họ làm gì mình không thể biết được", ông On nói.
Bà Đặng Nguyễn Hồng Châu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang cho biết, đến vòng 30 chỉ còn 2 doanh nghiệp trụ lại là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S. Home và Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích, đều có trụ sở ở TP HCM.
Cuối cùng, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home trúng quyền khai thác mỏ cát với giá 2.811 tỷ đồng, trong khi Công ty khai thác vật liệu Trầm Tích trả 2.744 tỷ đồng. Ở vòng trước, hai đơn vị lần lượt trả 2.737 và 2.672 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho hay, vừa nhận được văn bản của đơn vị trúng trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền với mong muốn khai thác. "Có vẻ họ chưa biết nhiều về thủ tục liên quan nên sở phân công bộ phận chuyên môn hướng dẫn kỹ lưỡng", ông Trí nói và cho biết doanh nghiệp sẽ được khai thác mỏ cát 12 năm, mỗi năm lấy 200.000 m3.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang sẽ làm việc với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home, để hướng dẫn nội dung liên quan khai thác. Theo đó, trong vòng một năm từ khi phiên đấu giá kết thúc doanh nghiệp phải hoàn thành xin phép thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường... Trường hợp doanh nghiệp không chứng minh được năng lực, mỏ cát sẽ được tỉnh xem xét, tiến hành đấu giá lại.
Ngoài việc chứng minh khả năng, theo quy định trong năm đầu tiên Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home phải nộp cho tỉnh trên 140 tỷ đồng, 4 năm tiếp theo mỗi năm nộp khoảng 667 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của VnExpress, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home thành lập năm 2018, vốn điều lệ 9 tỷ đồng, góp bởi 2 cổ đông Hồ Quang Thái Dũng (46 tuổi, tỷ lệ 55,5%) và Huỳnh Thị Phượng (39 tuổi, tỷ lệ 44,5%). Năm 2020, doanh nghiệp nâng vốn lên 27 tỷ đồng, chuyển từ lĩnh vực kinh doanh giặt ủi, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú, vệ sinh nhà cửa... sang ngành nghề thi công xây dựng, buôn bán khoáng sản...
Phóng viên nhiều lần liên hệ với Hồ Quang Thái Dũng, Giám đốc công ty để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng ông không bắt máy.
Do mỏ cát được bỏ thầu quá cao, có dấu hiệu bất thường nên UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng, tránh trường hợp đấu giá ảo...
Cửu Long