Nội dung được nêu tại buổi họp báo do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, ngày 7/4. Theo Phó chủ tịch UBND Lâm Đồng Phạm S, sau khi báo cáo tiền khả thi được phê duyệt (dự kiến tháng 9/2023), địa phương sẽ tổ chức đấu thầu, phấn đấu khởi công trong năm. Đây là hai dự án lớn nhất từng triển khai ở tỉnh.
Đến nay đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đã thống nhất hướng tuyến, các vị trí giao cắt, nút giao hầm chui, đường gom dân sinh... Dự kiến trong quý 3, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ hoàn thành, trình phê duyệt. Trước đó đoạn cao tốc này được tỉnh tính khởi công cuối năm 2022 nhưng không thành.
Hai đoạn trên thuộc dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương tổng chiều dài hơn 200 km. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện đoạn từ huyện Tân Phú (Đồng Nai) đến TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc đến Liên Khương (huyện Đức Trọng). Đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 66 km, đi qua địa bàn Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án quy mô bốn làn ôtô và hai làn dừng khẩn cấp, với tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự góp vốn của nhà nước. Trong đó, ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.605 tỷ đồng, vốn huy động 9.095 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành giữa năm 2026.
Liên danh các nhà đầu tư được đề xuất tham gia dự án là Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm nay dự án được bố trí vốn khoảng 900 tỷ đồng.
Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dài 74 km, nằm trên địa bàn Lâm Đồng, quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP. Dự án đang được lập báo cáo khả thi và dự kiến hoàn thành cùng thời điểm với đoạn Tân Phú – Bảo Lộc. Trong năm 2023, dự án được bố trí 506 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khi hoàn thành sẽ giảm tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho quốc lộ 20. Tuyến đường sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.
Khánh Hương - Trường Hà