Đó là nội dung Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai trong buổi làm việc về dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, chiều 28/12.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành ba đoạn đầu tư. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn huyện Tân Phú - TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc - Liên Khương (huyện Đức Trọng). Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và đối tác liên quan triển khai nhanh nhất các thủ tục pháp lý sớm khởi công hai dự án qua tỉnh Lâm Đồng trong năm sau. Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, tỉnh phấn đấu khởi công vào tháng 10/2022.
Đoạn từ xã Phú Trung, huyện Tân Phú đến đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc dài 66 km (55 km của địa phận Lâm Đồng, còn lại ở Đồng Nai). Dự án quy mô bốn làn ôtô và hai làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự góp vốn của nhà nước.
Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (nối TP Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương – Prenn) nằm trên địa bàn Lâm Đồng, quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 61 km, tổng vốn đầu tư 7.369 tỷ đồng. Dự kiến cả ba dự án thành phần sẽ hoàn thành trước năm 2025.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, kết nối hệ thống giao thông giữa miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 20, đèo Bảo Lộc thường xuyên sạt lở, kẹt xe và tai nạn giao thông.
Phước Tuấn