"Phương án này rút ngắn khoảng cách nhất, có chi phí xây dựng thấp, tuyến đi mới qua vùng đất chủ yếu là nông nghiệp nên thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng", ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao lập phương án, cho biết ngày 21/7.
Theo đó, công trình dài gần 125 km với 112 cầu, 13 nút giao; tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao Chà Và (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) - Cầu Cần Thơ 2 (cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5 km); điểm cuối giao với đường Vành đai tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau.
Cao tốc đi song song Quản Lộ - Phụng Hiệp (cách khoảng 15 km), cách TP Vị Thanh 10 km. Trong đó, đoạn qua Vĩnh Long 10,5 km, Cần Thơ 6 km, Hậu Giang hơn 61 km, Bạc Liêu 7,7 km, Kiên Giang hơn 17 km và Cà Mau gần 22 km.
Tuyến đường có 4 làn xe với mặt cắt ngang gần 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong giai đoạn một sẽ đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị phân chia tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thành 2 đoạn. Đoạn Vĩnh Long - Cần Thơ hơn 15 km, mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng, dự kiến xây dựng sau năm 2025.
Đoạn Cần Thơ - Cà Mau hơn 109 km, vốn đầu tư gần 29.400 tỷ đồng, theo hình thức BOT có hỗ trợ của Nhà nước bằng tiền 50%; dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Ở giai đoạn hoàn thiện, tổng mức đầu tư đoạn này tăng lên 37.000 tỷ đồng.
Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, phương án này được chọn đề xuất vì phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2019.
Hướng tuyến mới tạo động lực phát triển mới cho Hậu Giang, phía tây Bạc Liêu, khu vực các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận của Kiên Giang... Hiện, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Ba phương án khác gồm: Phương án một là dùng toàn bộ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu, dài 141 km, làm một chiều từ Cần Thơ về Cà Mau; chiều ngược lại sẽ xây mới song song; tổng kinh phí 46.200 tỷ đồng. Phương án này không được chọn do tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được xây theo tiêu chuẩn đường cấp III nên các yếu tố hình học không đáp ứng được tiêu chuẩn đường cao tốc.
Phương án 2 dài 137 km, kinh phí gần 55.000 tỷ đồng và phương án 4 dài 156 km, vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng. Hai phương án này đều có kinh phí lớn hơn.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống cao tốc phía Nam và là một trong hai tuyến trục dọc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này kết nối hai cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu.
Cửu Long