Tại hội nghị về triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam chiều 14/9, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện 10 trong số 11 dự án thành phần đạt giá trị sản lượng hơn 8.900 tỷ đồng (25% tổng giá trị hợp đồng). Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo chuẩn bị khởi công vào tháng 10.
Hiện nhiều dự án bị thiếu vật liệu, như Mai Sơn - Quốc lộ 45 cần khoảng 6 triệu m3 khối đất trong khi đó các mỏ đã cấp phép khai thác trên địa bàn chỉ có công suất 1,9 triệu m3/năm. Dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 nhưng các mỏ đã cấp phép đang khai thác chỉ cung cấp hơn 400.000 m3.
Về phía nhà thầu xây dựng, ông Dương Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex, cho hay hiện nhà thầu đã huy động hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm kỹ sư để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nên đang phải nằm chờ, dẫn điến thiệt hại rất lớn cho nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
"Đề nghị các địa phương quan tâm đến việc nâng công suất khai thác cho các mỏ phục vụ riêng cho dự án cao tốc, đặc biệt là mỏ mới. Bởi đây mới là con số quyết định cho việc lấy được bao nhiêu đất đưa vào phục vụ thi công dự án chứ không phải là trữ lượng của mỏ", ông Dương Văn Mậu nhấn mạnh.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, hiện nay các địa phương đã quy hoạch 189 mỏ để cung cấp nguyên vật liệu cho tuyến cao tốc. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 để tháo gỡ, giảm bớt thủ tục, nâng công suất khai thác các mỏ và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.
Tuy nhiên, địa phương vẫn gặp vướng mắc về thủ tục khai thác đối với các mỏ mới, như cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất... theo quy định của Luật Khoáng sản.
13 địa phương mà cao tốc đi qua có đặc điểm riêng, như Vĩnh Long và Tiền Giang không có mỏ đất sét đủ điều kiện để đắp nền đường, phải lấy từ nơi khác. Đồng Nai, Bình Thuận có mỏ nhưng xa điểm thi công, làm tăng chi phí vận chuyển. Thanh Hóa, Nghệ An cần nâng công suất mỏ. Ninh Bình chỉ cần cấp mới thêm một mỏ là đáp ứng được cho xây dựng 3 đoạn cao tốc trên địa bàn.
Để đảm bảo nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng địa phương cần tiếp tục nâng công suất khai thác mỏ đất đắp theo nhu cầu của dự án, đảm bảo về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động; không giới hạn về công suất nâng so với công suất ghi trong giấy phép khai thác.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị xác định rõ trách nhiệm cơ quan giải quyết thủ tục liên quan đến vật liệu xây dựng cho nhà thầu. Ban quản lý dự án, nhà thầu cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, "chứ không chỉ phản ánh là thiếu". Bởi trong quá trình lập hồ sơ tham gia dự thầu, nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư về điều kiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó có vấn đề vật liệu xây dựng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần kiểm tra, phối hợp với địa phương trong công tác cấp phép khoáng sản vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Lãnh đạo các địa phương trên cơ sở tham mưu của sở liên quan đến vật liệu xây dựng tạo điều kiện tối đa, rút ngắn được thời gian cấp phép.
Phó thủ tướng giao các bộ tiếp tục đề xuất cơ chế để tháo gỡ khó khăn khi tăng công suất cho các mỏ, trên nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối về an toàn lao động, môi trường, không được vượt trữ lượng đã phê duyệt.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).