Anh Nguyễn Văn Bền, 47 tuổi, người dân phường Mũi Né thức dậy từ tờ mờ sáng. Ăn vội chén cơm nguội cá kho, ông buộc bồ cào lên xe gắn máy chạy ra bãi biển phía trước Đồi Hồng. Lúc này, dọc bãi biển hơn 5 km từ Gành đến Hòn Rơm đã có hơn chục người làm nghề cào chằn chằn như anh.
Xuống nước, anh Bền vác bồ cào, buộc dây đai vào hông, đi thụt lùi. Bồ cào là khung sắt bản rộng, gồm những thanh sắt hàn chắc, chừa ra các khe hở 1,5-2 cm. Tay anh ghì bồ cào mạnh xuống, cát bên theo nước đi ra ngoài, chỉ còn lại bên trong khung bồ cào là những con chằn chằn nhỏ bằng ngón út và vỏ sò.
Cứ sau 10-15 phút đi thụt lùi, đụt lưới dài gắn sau lồng cào nặng trĩu, anh Bền vác đưa vào bờ, đổ lên tấm bạt xanh trải sẵn. Khi đống chằn chằn kèm vỏ sò vun cao, anh dừng cào, rồi dùng chiếc rổ lớn hốt lên sàng từng mớ để lọc vỏ sò, vỏ ốc và tạp chất ra. Chằn chằn lọt xuống dưới tấm bạt, được gom đổ vào bao.
Đến gần 11h, anh Bền cào được gần bốn bao chằn chằn. "Mỗi bao được thương lái mua với giá 150.000 đồng, thu nhập cũng được gần 600.000 đồng", anh Bền cho biết.
Chị Bùi Thu Hồng, 48 tuổi cũng hành nghề cào chằn chằn hơn chục năm nay. Mỗi sáng chị ra biển từ lúc 5h. Hôm nào chằn chằn nhiều, chị cào đến trưa là về, nếu ít phải cào đến 3h chiều.
Theo chị Hồng, chằn chằn ở biển Mũi Né xuất hiện nhiều từ tháng 6 đến cuối năm âm lịch. Loài này sống trong bãi cát lấp xấp nước. Khi thủy triều rút, chúng cũng xuống theo. Thế nên, người làm nghề lúc nào cũng phải lội ra nước để cào.
"Nghề này hơi cực vì phải ngâm mình trong nước, nhưng nó cho thu nhập khá hơn nghề cạy sò, phơi cá thuê...", chị Hồng cho biết.
Anh Nguyễn Văn Nhựt, 23 tuổi, mới vào nghề một năm nay. Dù cào không bằng những người làm nghề lâu năm, nhưng anh cũng thu nhập được khoảng 300.000 đồng một ngày. "Năm rồi, dịch bệnh nghề phụ hồ khó kiếm sống, em chuyển qua nghề cào chằn chằn thấy cũng ổn", anh Nhựt nói.
Chằn chằn là loài nhuyễn thể, có hình dạng giống con nghêu nhưng kích cỡ chỉ bằng ngón tay út. Thịt chằn chằn quá nhỏ, nên ít ai khai thác để chế biến món ăn vì tách thịt ra khỏi vỏ quá kỳ công. Hơn chục năm trở lại đây, chằn chằn được người dân vùng biển Bình Thuận bắt về làm thức ăn cho vịt, xay nhỏ làm thức ăn nuôi tôm hùm, cá lồng bè...
"Ngày xưa con này không ai cào, nay các trại nuôi tôm hùm ở Nha Trang, Phú Yên mua nhiều lắm, giá dao động từ 150.000-200.000 đồng một bao, tùy thời điểm", bà Lê Thị Bảy, một người thu mua chằn chằn ở Bình Thuận cho biết.
Không những ở Mũi Né, mà các bãi biển khác ở Bình Thuận cũng có nhiều chằn chằn như: Phan Rí, Hòa Thắng, Rạng, Bình Tú, Kê Gà, Hòn Lan... Do vậy, gần đây, dọc cung đường ven biển, hình ảnh người cào chằn chằn đi thụt lùi đã dần quen thuộc với nhiều người.
Việt Quốc