Hiện nay, tất cả tàu thuyền của ngư dân Mũi Né đã về neo đậu trong vịnh trước bến cá Bờ Đê để né gió bấc thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đa phần tàu thuyền nằm bờ do thời tiết không thuận lợi, trời gió khó ra khơi.
Vào buổi sáng, chỉ vài chục chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ đưa hải sản vào bán. Các thuyền này chủ yếu làm nghề thả lồng lưới cách bờ chừng 1-2 hải lý. Họ ra biển buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau vào bờ.
Anh Huỳnh Minh (phường Mũi Né) vừa cập bến, neo thuyền, đưa giỏ hải sản đánh được suốt đêm qua vào bán cho đầu nậu chờ sẵn. Cá không được nhiều, chỉ chừng 3 kg cá chai lớn, 4 kg cá lưỡi trâu cùng một ít tôm tích và cá tạp. "Đánh được ít, nhưng giá bán cao, sáng nay trừ phí tốn cũng kiếm được 700.000 đồng", anh Minh cho biết.
Ở thuyền kề đó, ông Trần Văn Bảy đánh được ít cá hơn, nhưng lại có gần 2 kg ốc hương. Bán cá và ốc hương, ông Bảy thu hơn một triệu, sau khi trừ chi phí.
Chị Lê Thị Gái, người thu mua hải sản cho biết, lượng hàng vào bờ ít, khan hiếm, nên giá mua tăng lên. Mỗi ký cá chai được mua với giá 120.000 đồng, cá lưỡi trâu 100.000 đồng, bạch tuộc 110.000 đồng, tôm biển 500.000-600.000 đồng, ốc hương 500.000-700.000 đồng một kg (tùy kích cỡ)... So với chính vụ từ đầu tháng 4 đến tháng 9, giá hải sản Mũi Né hiện cao hơn từ 20 đến 30%.
Anh Nguyễn Hoàng, chuyên mua hải sản đóng thùng chở đi các tỉnh bán cho hay, sau đợt dịch, các mối hàng ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đặt hải sản tươi nhiều, song lượng hàng vào bến ít. Buổi sáng anh ra gom sớm nhưng vẫn không đủ theo đơn đặt hàng. Giá cao hơn nhưng khách vẫn đồng ý vì hải sản tươi, được thu mua tại bến.
Hiện, hàng hóa được vận chuyển thông suốt vào các tỉnh thành phía Nam, cùng đó, một số khu du lịch tại Mũi Né đã mở cửa đón khách trở lại, nên hải sản xứ biển Mũi Né bán rất chạy. Nhờ vậy ngư dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định dù lượng hải sản đánh bắt không nhiều.
Việt Quốc