David Arakhamia, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, chỉ vào một chai gel khử trùng trên mặt bàn phủ vải trắng, khi phái đoàn Nga và Ukraine gặp nhau tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022, hơn một tháng kể từ khi chiến sự giữa hai nước bùng phát.
"Đó là thuốc khử trùng", ông nói với người đồng cấp Nga Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin. "Ồ, tôi nghĩ đó là rượu vodka", Medinsky đùa.
Không khí có vẻ thoải mái, nhưng đằng sau cuộc họp này là ngọn lửa căng thẳng đang cháy âm ỉ. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vừa công khai khuyên các nhà đàm phán nước này không nhận bất kỳ đồ uống nào từ người Nga và không chạm vào bất kỳ bề mặt nào nhằm đề phòng nguy cơ bị đầu độc.
Các đơn vị quân đội Nga cùng xe tăng, thiết giáp lúc đó đang tập trung ở cửa ngõ Kiev, với mục tiêu kiểm soát thủ đô Ukraine trong thời gian sớm nhất.
Những gì xảy ra vào ngày đàm phán quan trọng đó đã trở thành vấn đề bất đồng cơ bản giữa Ukraine, các quốc gia phương Tây và Nga. Cuộc gặp ở Istanbul cũng nổi lên như một điểm bất hòa chính trong cuộc tranh luận ở Mỹ về cuộc xung đột, khi một số người cho rằng Ukraine lúc bấy giờ đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán kết thúc chiến sự.
Cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà đàm phán Ukraine và Nga diễn ra vào ngày 28/2/2022 tại thành phố Gomel, Belarus, 4 ngày sau khi xe tăng Nga tràn qua biên giới Ukraine.
Tại cuộc gặp, Medinsky đã đưa ra danh sách dài các yêu cầu của Điện Kremlin, như thay thế chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky, hay quân đội Ukraine phải bàn giao tất cả xe tăng và pháo binh cho Nga.
"Chúng tôi đã lắng nghe họ và nhận ra rằng đây không phải những người được cử đến đàm phán mà là để thuyết phục chúng tôi đầu hàng", Mykhailo Podolyak, một trong các nhà đàm phán Ukraine, cố vấn của Tổng thống Zelensky, nhớ lại. Phía Ukraine không chấp nhận các yêu sách này, nhưng vẫn đồng ý tiếp tục đàm phán để câu giờ.
Ngày 10/3, Ngoại trưởng Kuleba bay đến thị trấn nghỉ mát Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trong cuộc đối mặt đầu tiên giữa quan chức đứng đầu ngành ngoại giao hai nước kể từ khi xung đột nổ ra.
"Tôi đã hỏi ông Lavrov một câu đơn giản sau cánh cửa đóng kín ở Antalya: Bộ trưởng, ông muốn gì? Đó là tất cả những gì tôi muốn biết", Ngoại trưởng Kuleba cho hay.
Ngoại trưởng Lavrov không trả lời, thay vào đó nêu ra những cáo buộc lâu nay của Nga rằng Ukraine đã trở thành một nước theo chủ nghĩa phát xít mới và muốn hủy hoại nước Nga. Dẫu vậy, hai ngoại trưởng nhất trí sẽ xúc tiến cuộc đàm phán tiếp theo tại Istanbul.
Trong 19 ngày giữa cuộc gặp ở Antalya và cuộc đàm phán ở Istanbul, tình hình chiến trường đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Ukraine. Xung quanh Kiev, lực lượng Ukraine đã khiến quân đội Nga liên tiếp hứng chịu thất bại dù quân số đông đảo hơn.
Xuyên suốt các cuộc đàm phán, vấn đề tư cách thành viên của Ukraine tại NATO luôn là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự.
Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, Tổng thống Zelensky chỉ ra rằng Ukraine có thể từ bỏ giấc mơ gia nhập NATO để đổi lấy những đảm bảo an ninh mang tính ràng buộc từ phương Tây cũng như Nga. Các nhà đàm phán Ukraine cũng cho thấy họ hoàn toàn linh hoạt trước yêu cầu từ Nga về việc giảm quy mô quân đội nước này và đóng băng vấn đề ai kiểm soát Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập vào lãnh thổ vào năm 2014.
Dù vậy, không điều nào trong số này đủ sức ngăn chặn các cuộc tấn công của bộ binh Nga cũng như những đợt tập kích vào các thành phố Ukraine.
Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở đầu cuộc đàm phán ở Istanbul vào ngày 29/3, nhiệm vụ của phái đoàn Ukraine là yêu cầu Nga rút quân về vị trí trước xung đột, đồng thời thể hiện thái độ cởi mở trong loạt vấn đề chủ chốt, với mục tiêu đạt thỏa thuận trước cuộc gặp theo dự kiến giữa ông Zelensky và ông Putin.
Yêu cầu chính của Nga, ngoài việc Ukraine không gia nhập NATO, còn là hạn chế khả năng tự vệ của nước này trong tương lai. Theo các tài liệu dự thảo sau đó được Tổng thống Putin công khai, Moskva muốn lực lượng vũ trang Ukraine giới hạn ở mức 85.000 quân, 342 xe tăng và 519 khẩu pháo. Các nhà đàm phán Ukraine dường như đã chấp nhận nhận nhượng, nhưng đưa ra đề xuất về một đội quân gồm 250.000 lính, gần bằng mức trước xung đột, 800 xe tăng và 1.900 khẩu pháo.
Ngay khi hội nghị bắt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra một thông báo gây ấn tượng. Ông cho biết các mục tiêu chính của "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhìn chung đã hoàn thành.
Vài giờ sau, Medinsky xuất hiện tại cuộc họp báo ở Istanbul với tin tức còn đáng kinh ngạc hơn. Ông tuyên bố những cuộc đàm phán diễn ra ngày hôm đó đã đạt được tiến bộ đáng kể và Moskva quyết định thực hiện các bước giảm leo thang xung đột. Quân đội Nga bắt đầu rút khỏi ngoại ô Kiev và các khu vực khác ở miền bắc Ukraine.
Theo Tổng thống Putin, các nhà đàm phán Ukraine ở Istanbul đã chấp nhận hầu hết những yêu cầu từ Nga. "Trên thực tế, các thỏa thuận đã đạt được", ông nói vài tháng sau đó. "Quân đội của chúng tôi đã rời khỏi trái tim Ukraine, Kiev, để tạo điều kiện" cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm hoàn tất hiệp định hòa bình.
Nhưng Ukraine phản đối kịch liệt thông tin này. Theo Kuleba, không bên nào đưa ra cam kết ràng buộc ở Istanbul. "Không có thỏa thuận nào cả", ông nhấn mạnh. "Tham gia vào một cuộc đàm phán và cam kết về một điều gì đó là hai việc hoàn toàn khác nhau".
Về việc Nga rút quân, các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết ông Putin không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui vào cuối tháng 3, khi lực lượng Ukraine liên tiếp đạt thành công trên thực địa và gây tổn thất đáng kể cho đoàn xe tăng, thiết giáp Nga đang ùn ứ trên đường.
Đại tá Igor Girkin, sĩ quan tình báo Nga đã nghỉ hưu, đồng tình với đánh giá trên. "Nếu việc rút khỏi lãnh thổ vừa chiếm được là không thể tránh khỏi, tốt nhất bạn nên làm điều đó trước khi quân đội của bạn bị kẻ thù đánh tan tác", ông nói ngay sau thông báo từ Istanbul. "Chúng ta vẫn cần những đội quân này, xung đột còn kéo dài".
Tối 29/3, khi các nhà đàm phán gặp mặt ở Istanbul và lên kế hoạch cho vòng đàm phán tiếp theo, quân đội Ukraine tiến vào thị trấn Bucha gần Kiev. Những gì Ukraine tuyên bố phát hiện ra ở đây đã thổi bùng tranh cãi về việc Moskva và Kiev thực sự đã đạt được điều gì tại Istanbul.
Giới chức Ukraine cáo buộc lực lượng Nga có hành động "thảm sát" trong thời gian kiểm soát thị trấn Bucha, khiến hơn 450 thường dân thiệt mạng, trước khi rút lui vào cuối tháng 3/2022.
Khi các đoạn phim được cho là quay tại Bucha lan truyền trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky đã vô cùng giận dữ. Dù các nhà đàm phán Ukraine và Nga vẫn giữ liên lạc và chỉnh sửa tài liệu được soạn thảo ở Istanbul vào tuần trước đó, Tổng thống Zelensky đã phát đi tín hiệu rằng "cuộc thảm sát Bucha" đã thay đổi mọi thứ.
"Những gì xảy ra ở đây là hành động diệt chủng", ông nói trong chuyến thăm thị trấn.
Nga trong khi đó phủ nhận cáo buộc "thảm sát dân thường" của Ukraine và phương Tây, cho rằng đây là những thông tin sai lệch do Kiev dàn dựng nhằm "bôi nhọ" Moskva. Tổng thống Putin nói rằng cáo buộc liên quan đến Bucha "đều được dựng lên giống những gì đã xảy ra ở Syria" và tạo cớ cho loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhắm vào Moskva.
Bất chấp cơn phẫn nộ của Tổng thống Zelensky, các nhóm đàm phán Nga - Ukraine khi đó vẫn tiếp tục liên hệ với nhau qua Zoom nhằm thảo luận về điều khoản hòa bình.
Ngày 9/4/2022, thủ tướng Anh Boris Johnson đến Kiev. Ông là một trong những lãnh đạo phương Tây đầu tiên thực hiện chuyến thăm như vậy kể từ khi xung đột nổ ra.
Ngồi với Tổng thống Zelensky ở Kiev, Johnson đưa ra quan điểm của mình: "Không ai có thể là người Ukraine hơn chính người Ukraine, tôi không phải nói cho các ngài biết mục tiêu của các ngài là gì, nhưng theo tôi nghĩ, Tổng thống Putin phải thất bại và Ukraine phải có chủ quyền, độc lập hoàn toàn", thủ tướng Anh khi đó nói. "Chúng tôi không trực tiếp chiến đấu mà là các bạn. Chính người Ukraine đang chiến đấu và hy sinh tính mạng. Nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine một nghìn phần trăm".
Lãnh đạo Ukraine không cần thuyết phục nhiều. Cuộc trò chuyện nhanh chóng chuyển sang những chủ đề cụ thể như Anh có thể hỗ trợ Ukraine thế nào. Ngay sau đó, các cuộc đàm phán trực tuyến giữa phái đoàn Ukraine - Nga đổ vỡ.
Tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin tin rằng Washington, chứ không phải London, đã buộc Kiev phải từ bỏ đàm phán với hy vọng khiến Nga kiệt sức trong một cuộc xung đột kéo dài.
Nhiều quan chức cấp cao Nga liên tục nêu quan điểm này một cách giận dữ trong các cuộc gặp với phía Mỹ.
"Thật vớ vẩn. Mỹ không ngăn chặn điều đó. Chúng tôi đã cẩn thận theo dõi toàn bộ tiến trình", một quan chức Mỹ giấu tên nói.
Quan điểm mới của Tổng thống Zelensky, không thay đổi kể từ đó đến nay, là yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Ukraine, kể cả bán đảo Crimea, và truy tố những quan chức Nga bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
"Ở Istanbul, chúng tôi vẫn chưa hiểu loại chiến lược mà Nga đang tiến hành", Podolyak giải thích. "Khi chúng tôi trở về từ Istanbul và người Nga rời khỏi vùng thủ đô Kiev, chúng tôi hiểu rằng Nga sẽ cố gắng đánh bại Ukraine bằng bất cứ giá nào".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)