Sáng 9/2, nhiều xe cảnh sát thuộc Công an TP HCM phối hợp TP Vũng Tàu, lực lượng chức năng địa phương phong toả trụ sở Chi cục đăng kiểm Số 9 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) là tòa nhà 7 tầng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Vũng Tàu. Không ai được ra vào khu vực này.
Một tổ công tác khác thuộc Cơ quan điều tra Công an TP HCM làm việc với các nhân viên chi cục. Trong gần 2 tiếng khám xét, cảnh sát rà soát nhiều máy móc, tài liệu của đơn vị này.
Đến 14h30, cảnh sát thu giữ nhiều thùng tài liệu, đưa về cơ qua điều tra.
Cũng trong sáng nay, tại TP HCM, tổ công tác khác của Công an TP HCM đã đến làm việc tại Chi Cục đăng kiểm số 6 (đăng kiểm các phương tiện đường thuỷ, trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 - nghi sai phạm trong hoạt động đăng kiểm. Các bước phong tỏa, khám xét diễn ra tương tự như ở Vũng Tàu.
Động thái được cơ quan điều tra đưa ra trong kế hoạch mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm ở Sài Gòn và các tỉnh thành.
Hành vi liên quan của Chi cục đăng kiểm số 6 và 9 chưa được công bố. Hai đơn vị này có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý Nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải...; đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với các loại phương tiện trong phạm vi quản lý của mình.
Hơn một tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm. Riêng tại TP HCM, nhà chức trách đã khám xét 13 trung tâm, gồm 5 cơ sở tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 8 đơn vị tại Sài Gòn; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.
Thủ đoạn của các trung tâm sai phạm là nhận tiền "lót tay" từ những người môi giới, bỏ qua lỗi vi phạm của phương tiện trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
Riêng Công an TP HCM đã khởi tố 6 vụ án, bắt tạm giam 89 người là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và những người môi giới.
Hôm 11/1, nhà chức trách đã bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam với cáo buộc cùng đồng phạm Trần Anh Quân (quyền trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó phòng) và chuyên viên Phạm Đức Ngọc nhận tiền hối lộ "hàng tháng, hàng quý" của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm mới được chấp nhận.
Đến ngày 17/1, ông Trần Kỳ Hình (62 tuổi, ngụ Hà Nội, cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam) bị bắt về hành vi tương tự.
Nhà chức trách ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách "làm luật" như vậy. Các trung tâm kiểm định đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, ngày 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Quốc Thắng - Đăng Khoa - Đình Văn