Theo Hiến pháp Mỹ, cảnh sát không thể cưỡng ép nghi phạm thú tội vì điều này sẽ vi phạm vào quyền không phải làm chứng chống lại chính mình và quyền được xét xử đúng quy trình hợp lý. Tuy nhiên, việc lời thú tội có tự nguyện hay không lại là vấn đề phức tạp vì dù cảnh sát bị cấm dùng vũ lực, họ vẫn có nhiều biện pháp tâm lý, như nói dối, để khiến nghi phạm nhận tội.
Án lệ đầu tiên của tòa tối cao liên bang về quyền đánh lừa nghi phạm trong thẩm vấn xuất phát từ vụ án mạng của Russell Marleau. Năm 1964, Martin Frazier (20 tuổi) cùng anh họ bị cảnh sát bang Oregon bắt giữ do là hai người cuối cùng ở bên Marleau. Quá trình thẩm vấn, Frazier thú tội sau khi được cho biết anh họ đã thừa nhận hành vi. Trên thực tế, cảnh sát đã nói dối, người anh họ chưa thú tội tại thời điểm ấy.
Dựa trên bản khai và một số chứng cứ khác, Frazier bị kết án giết người vào năm 1965. Trong đơn kháng cáo lên tòa tối cao liên bang, Frazier cho rằng nhận tội sau khi bị cảnh sát lừa dối nên lời thú tội không có tính tự nguyện và không thể được coi là chứng cứ.
Tiếp nhận đơn kháng cáo, tòa tối cao nhận định "thời gian xét hỏi ngắn, Frazier lại là người trưởng thành với trí thông minh bình thường" nên xét về tổng thể, việc cảnh sát nói dối về lời khai của người anh họ có liên quan nhưng không đủ để khiến bản khai của Frazier bị coi là không tự nguyện. Năm 1969, tòa bác đơn kháng cáo của Frazier, qua đó tạo thành án lệ công nhận cảnh sát có quyền dùng lời nói dối trong lúc thẩm vấn.
Những năm sau, tòa tối cao tiếp tục tạo ra một số án lệ khác về quyền đánh lừa nghi phạm. Ví dụ, án lệ Illinois v. Perkins năm 1972 chấp nhận lời thú tội giết người mà nghi phạm nói với "bạn tù" (thực tế là cảnh sát ngầm đóng giả). Trong án lệ Oregon v. Mathiason năm 1977, cảnh sát được phép nói dối rằng đã tìm thấy vân tay của nghi phạm ăn trộm tại hiện trường.
Tại sao cảnh sát cần nói dối? Laurie Magid, công tố viên hạt Delaware, bang Pennsylvania, cho rằng cảnh sát cần dùng chiến thuật đánh lừa mới có thể khiến nghi phạm nhận tội và kết án thành công vì rất ít kẻ chịu bước vào phòng thẩm vấn và nhanh chóng khai nhận thành thật. Hơn nữa, một số vụ án nghiêm trọng nhất, như xâm hại trẻ em, có thể không có chứng cứ vật chất hoặc nhân chứng nên lời khai của nghi phạm đôi khi là thứ duy nhất có thể giúp kết án.
Dù có thể mang lại giá trị lớn, chiến thuật đánh lừa trong lúc thẩm vấn không phải không bị tòa án hạn chế. Thông thường, tòa án sẽ không chấp nhận việc cảnh sát cung cấp thông tin sai sự thật về quyền lợi hợp pháp của nghi phạm, ví dụ cố ý nói rằng lời khai thú tội sẽ không bị dùng làm căn cứ khởi tố.
Vì mỗi sự việc khác nhau, tòa án thường phải cân nhắc "tổng thể tình huống" của để xét xem nghi phạm có tự nguyện nhận tội hay không, bao gồm các yếu tố như đặc điểm cá nhân của bị cáo (ví dụ tuổi tác, sức khỏe tâm thần), hoàn cảnh lấy lời khai (ví dụ thời gian thẩm vấn), và cách hành xử của cảnh sát.
Điều này khiến tòa án khác nhau cho ra các phán quyết khác nhau. Ví dụ, trong án lệ State v. Cayward xảy ra tại bang Florida năm 1989, Paul Cayward, người bị tình nghi hiếp dâm trẻ em, đã nhận tội sau khi xem biên bản giám định giả cho thấy ông ta là chủ nhân vết tinh trùng trên quần lót nạn nhân. Lời thú tội này bị tòa phúc thẩm bang Florida loại bỏ vì việc cảnh sát làm giả biên bản giám định được cho là vượt quá giới hạn đánh lừa bằng lời nói, đồng thời tài liệu giả mạo có thể bị lẫn lộn trong hồ sơ và bị coi là thật.
Cùng vấn đề này, trong án lệ Arthur v. Commonwealth năm 1997, tòa phúc thẩm bang Virginia lại chấp nhận lời thú tội dù nghi phạm nhận tội sau khi xem tài liệu giả cho thấy vân tay và tóc của mình xuất hiện tại hiện trường án mạng. Về nỗi lo lẫn lộn tài liệu trong án lệ Cayward, tòa phúc thẩm bang Virginia chỉ ra rằng cảnh sát đã giữ tài liệu giả trong tập hồ sơ riêng biệt khác hồ sơ điều tra.
Do đó, dù việc đánh lừa nghi phạm nói chung được cho phép, cảnh sát mỗi nơi vẫn phải nắm vững án lệ của bang mình để có hành vi thích hợp trong lúc thẩm vấn.
Quốc Đạt (Theo Policeone, APA)