Theo tổ chức Dự án Vô tội (Mỹ), trong những người được họ giải oan bằng chứng cứ ADN có hơn 25% đã ký vào bản nhận tội. Điều gì khiến người vô tội thừa nhận hành vi mà không thực hiện? Nghiên cứu về vấn đề này, một số nhà khoa học đã phân ra ba dạng sau:
Dạng tự nguyện: Người vô tội tự nguyện nhận tội mà không cần tới tác động của cảnh sát. Động cơ đằng sau có thể là hy sinh bản thân để bảo vệ kẻ phạm tội thật sự (như bố mẹ bảo vệ con cái), hoặc vì muốn được mọi người chú ý, đặc biệt là trong một số vụ án nổi tiếng thu hút sự chú ý của dư luận.
Tại vụ án Thược dược đen gây bão dư luận Mỹ vào năm 1947 với việc thi thể của cô gái Elizabeth Short (22 tuổi) được phát hiện tại khu vực vắng người của thành phố Los Angeles, Mỹ. Sau cuộc điều tra quy mô lớn, cho tới nay, cảnh sát vẫn chưa tìm ra hung thủ nhưng số người "đầu thú" và tự nguyện nhận tội lên tới hàng chục.
Những vụ án nổi tiếng khác (như vụ bắt cóc cậu bé nhà Lindbergh năm 1932) có nhiều người đến nhận tội song đều bị xác định không phải là thủ phạm.
Dạng tuân phục: Người bị thẩm vấn nhận tội nhằm mục đích thoát khỏi tình thế căng thẳng, tránh bị trừng phạt hoặc để đạt được phần lợi ích được hứa hẹn nào đó. Một cuộc thẩm vấn thông thường theo kỹ thuật Reid tại Mỹ sẽ diễn ra trong căn phòng chật chội, không có cửa sổ hay đồ vật gì ngoài bàn ghế để gây sức ép tinh thần lên nghi phạm. Khi bị thẩm vấn trong thời gian dài, nghi phạm có thể nhận tội cho dù không gây án chỉ để thoát ra khỏi căn phòng.
Ví dụ, điều tra vụ án cô gái da trắng bị hiếp dâm khi chạy bộ trong công viên Central Park của New York vào năm 1989, cảnh sát đã thẩm vấn năm thiếu niên từ 14 tới 30 tiếng mỗi người. Cả nhóm sau đó nhận tội vì không chịu được áp lực. Dù khi ra toà, họ rút lại lời khai nhưng vẫn bị kết án. Tới năm 2002, hung thủ thật sự được xác minh nhờ bằng chứng ADN. Được tuyên vô tội, năm người khởi kiện chính quyền thành phố New York và được bồi thường 41 triệu USD.
Dạng nội tâm hóa: Trong quá trình làm việc với cảnh sát, một số người bị thuyết phục rằng mình thật sự có tội do kỹ thuật thẩm vấn theo kiểu dẫn dụ. Họ được coi là đã "nội tâm hóa" các tình tiết của vụ án.
Ví dụ: vụ án thanh niên Peter Reilly bị nghi sát hại mẹ ruột tại nhà riêng vào năm 1973. Cho rằng mình không có gì để giấu cảnh sát, Peter tình nguyện ngồi máy kiểm tra nói dối. Điều tra viên sau đó nói nghi phạm đã trượt bài kiểm tra (thực tế không phải vậy), cuối cùng thuyết phục Peter tin rằng có tội. Sau nhiều giờ thẩm vấn, Peter tự tay viết bản nhận tội, ghi rõ thủ đoạn giết người. Peter được minh oan khi bằng chứng mới trái ngược với thực tế vụ án được phát hiện.
Nghiên cứu của Đại học Tư pháp hình sự John Jay tại New York (Mỹ) vào năm 2011 cho thấy dạng nhận tội đầu tiên là do người nhận tội chủ động thực hiện. Nhưng hai dạng sau, người bị bắt dù biết mình vô tội song vẫn nhận là vì "mắc bẫy" kỹ thuật thẩm vấn có tính dẫn dụ của cảnh sát.
Trong nghiên cứu này, 71 sinh viên tham gia không được cho biết mục đích thật của nghiên cứu, mà chỉ được yêu cầu đánh máy nhanh theo hiệu lệnh của người đọc (được người nghiên cứu "cài cắm" từ trước). Ngoài ra, họ bị cảnh báo rằng phím Alt trên bàn phím bị lỗi, nếu gõ phải sẽ làm mất dữ liệu nghiên cứu.
Trên thực tế, chiếc máy tính được thiết lập để bị treo sau khoảng một phút, bất kể người tham gia có chạm vào phím Alt hay không. Khi máy bị "treo", người nghiên cứu tỏ ra bực bội và buộc tội người tham gia. Ban đầu, mọi người đều khẳng định mình vô tội. Nhưng tỉ lệ nhận tội tăng vọt khi người nghiên cứu bắt đầu sử dụng "bằng chứng giả" hoặc kỹ thuật "lừa phỉnh", những kỹ thuật thẩm vấn cảnh sát Mỹ thường dùng.
Trong trường hợp "bằng chứng giả", người đọc nói "nhìn thấy người tham gia chạm vào nút Alt", tỉ lệ nhận tội là 78,57%. Trong trường hợp "lừa phỉnh", người nghiên cứu nói có camera giám sát hoặc trong máy đã có phần mềm ghi lại mọi phím được nhấn nhưng tạm thời chưa kiểm tra được (trên thực tế không có phần mềm hoặc camera nào cả), tỉ lệ nhận tội là 86,67%.
Trước kết quả này, người nghiên cứu đặt giả thuyết rằng những người tham gia có niềm tin ngây thơ rằng dù trước mắt ký vào bản nhận tội, sự vô tội của họ sẽ được chứng minh sau này, đặc biệt là khi có camera giám sát hoặc phần mềm ghi lại phím bấm. Một người tham gia còn nói việc có camera giám sát "càng khiến tôi dễ dàng ký bản nhận tội hơn vì biết rằng máy quay sẽ minh oan cho mình".
Tuy nhiên trên thực tế, dù nghi phạm sau này rút lại lời khai, bản nhận tội vẫn là bằng chứng có giá trị kết tội cao. Nó có thể thay đổi cách cảnh sát điều tra vụ án sao cho phù hợp với bản khai, hoặc khiến bồi thẩm đoàn nghĩ rằng bị cáo đang chối tội.
Thời gian thẩm vấn kéo dài, cùng với kỹ thuật thẩm vấn có tính dẫn dụ của cảnh sát Mỹ có thể khiến cho một số người vô tội quá mệt mỏi mà ký vào bản nhận tội, dẫn tới án oan sai.
Quốc Đạt (Theo Economist, Wired, Science Magazine)