Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Quang Duy, Khoa Ngoại tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, u gan có 2 dạng. Thứ nhất là u lành tính bao gồm nang gan, u tuyến tế bào gan, tăng sản tế bào gan dạng nốt và một số loại ít gặp khác. Thứ hai là u ác tính gồm ung thư tế bào gan nguyên phát (HCC), ung thư gan đường mật, ung thư gan do di căn (thứ phát) và một số loại khác.
Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư gan cao nhất thế giới. Trong đó nam mắc nhiều hơn, gấp 4 đến 8 lần nữ, thường gặp ở độ tuổi trên 45. Hiện nguyên nhân dẫn đến u gan hay ung thư gan chưa được làm rõ. Người ta chỉ phát hiện một số yếu tố nguy cơ gây ung thư gan như:
- Xơ gan: Ung thư gan thường xảy ra trên nền xơ gan, chiếm từ 65 đến 85% số ca mắc. Hơn 50% người bị xơ gan là do rượu.
- Viêm gan siêu vi: Thực nghiệm cũng như nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có sự liên quan rõ ràng giữa ung thư gan nguyên phát với viêm gan siêu vi B và siêu vi C.
- Các chất hóa học như aflatoxin B1, estrogen, anabolic steroids, dioxin… cũng gây ung thư gan.
U gan và ung thư gan thường không có triệu chứng rõ ràng. Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh nghèo nàn nên hiếm khi được chẩn đoán sớm, bệnh nhân chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe tổng quát. Đến giai đoạn muộn, triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng tương đối rõ, song lúc này bệnh đã trở nặng, hiệu quả điều trị kém, tiên lượng rất xấu.
Nhìn chung, các triệu chứng thường gặp của u gan là chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, đau bụng, cảm giác tức, nặng vùng hạ sườn phải. Khi xơ gan, bác sĩ khám có thể thấy gan to hơn ở vùng dưới sườn phải hay trên rốn, bụng báng (nước trong ổ bụng). U gan gây tắc nghẽn đường mật ở giai đoạn sớm có thể làm cho da toàn thân chuyển màu vàng, thỉnh thoảng có thể sốt nhẹ. Ở giai đoạn muộn của ung thư tế bào gan, da toàn thân có thể chuyển sang màu vàng nhạt.
Chẩn đoán u gan cận lâm sàng thường dựa trên các chỉ số:
- AFP (alpha-Fetoprotein) do nhu mô gan tạo ra. AFP từ 500 ng/ml trở lên, chẩn đoán gần như chắc chắn bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát. AFP dưới 500 ng/ml thì nghi ngờ ung thư gan nguyên phát.
- Dựa vào kết quả hình ảnh chụp được. Trong đó, siêu âm bụng có giá trị chẩn đoán cao (90% xác định được u). Chụp cắt lớp vi tính và tiêm thuốc cản quang cũng cho hình ảnh rõ ràng. Chụp động mạch là phương pháp rất nhạy phát hiện được ung thư kích cỡ nhỏ. Cộng hưởng từ có độ nhạy cao, phát hiện được u nhỏ, dễ dàng nhìn thấy mạch máu mà không cần tiêm thuốc cản quang. Sinh thiết gan khá chính xác, tỷ lệ chẩn đoán thành công là 90%. Thực hiện sinh thiết bằng cách chọc hút kim nhỏ dưới sự hướng dẫn của siêu âm hay chụp cắt lớp.
U gan nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng. Nếu u lành tính, biến chứng chủ yếu là ở nang gan như nhiễm trùng trong nang, xuất huyết trong nang, nang gan lớn gây đau tức… Trường hợp u ác tính nếu là ung thư gan nguyên phát có tiên lượng rất xấu, diễn tiến nhanh. Các biến chứng thường gặp là khối u vỡ chảy máu, nôn ra máu vỡ tĩnh mạch thực quản, xâm lấn các cơ quan lân cận.
Bệnh có thể điều trị bằng nhiều phương pháp. Trong đó có hóa trị, gây tắc mạch kết hợp với hóa trị (OCE, TACE), xạ trị tại chỗ, hủy u gan qua da bằng cách tiêm Ethano percutaneous Ethanol Injection - PEI, hủy u bằng điện cao tần (RFA - RadiFrequency Ablation), phẫu thuật cắt gan.
Lưu ý: Phẫu thuật cắt gan được chỉ định khi thể trạng và chức năng gan của bệnh nhân còn tốt, cho phép chịu đựng được cuộc mổ. Ngoài ra còn tùy thuộc nhiều yếu tố như lượng mô gan bị cắt và lượng còn lại có đủ để duy trì chức năng gan không, mức độ suy gan, mức độ xơ. Chỉ cắt gan cho người bệnh xơ gan mức độ Child A và B. Chống chỉ định khi có di căn xa, có dấu hiệu xâm nhập các nhánh lớn tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, tĩnh mạch thực quản.
Điều trị u gan thường phải phối hợp nhiều phương pháp, không một phương pháp nào là tối ưu. Do vậy bác sĩ sẽ căn cứ từng thể trạng bệnh nhân mà có chỉ định kết hợp phù hợp. Các trường hợp u nhỏ dưới 3 cm có thể áp dụng phương pháp tắc mạch, hủy u qua da bằng tiêm ethanol hay RFA. Nếu u lớn không thể phẫu thuật, có thể điều trị hỗ trợ bằng tắc mạch để làm chậm tiến triển của u.
Bệnh nhân sau mổ u gan thường có biểu hiện suy gan, mức độ tùy thuộc vào lượng nhu mô gan còn lại nên cần được theo dõi chặt chẽ. Thiếu máu và thiếu dinh dưỡng sau phẫu thuật cũng xảy ra trên bệnh nhân cắt gan nên cần được truyền máu và các chất dinh dưỡng. Ngoài ra theo dõi đề phòng các biến chứng như viêm phổi sau mổ, tràn dịch màng phổi...
Để phòng u gan, nên hạn chế các tác nhân gây viêm gan, xơ gan. Cụ thể là phòng ngừa viêm gan B, C, trong đó hiệu quả nhất là tiêm văcxin cho trẻ em và người lớn. Bệnh nhân viêm gan cần theo dõi và điều trị đúng phác đồ, hạn chế bia rượu, tránh dùng thức ăn mốc như ngũ cốc, rau quả để lâu ngày. Khi nghi ngờ bệnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bằng xét nghiệm AFP, siêu âm hay chụp cắt lớp. Hiệu quả điều trị cao hay thấp tùy thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net