Israel hôm 26/12 ghi nhận ít nhất 5.400 con sếu hoang dã chết vì virus cúm H5N1 tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Hula phía bắc đất nước, nằm trên một trong những tuyến đường di cư của chim lớn nhất thế giới. Đây là điểm tập trung chính của loài sếu di cư qua Israel hai lần mỗi năm và lần này có tổng cộng khoảng 30.000 con.
Ngoài những con sếu đã chết, khoảng 10.000 con tại Hula có dấu hiệu ốm yếu. Tại vùng nông nghiệp Margaliot gần đó, khoảng 560.000 trong số 570.000 con gà mái ấp trứng cũng nhiễm virus H5N1 và sẽ bị tiêu hủy. Đây là khu vực cung cấp 7% tổng số trứng được tiêu thụ tại Israel, mang lại nguồn thu nhập chính cho hầu hết cư dân trong vùng.
Theo truyền thông Israel, những đứa trẻ đến thăm khu bảo tồn Hula có thể đã chạm vào một con sếu bị nhiễm virus, dẫn đến tình trạng lây lan diện rộng. Giới chức đã đóng cửa khu bảo tồn từ tuần trước.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Israel Tamar Zandberg gọi đợt bùng phát virus H5N1 này là "đòn giáng tồi tệ nhất đối với động vật hoang dã trong lịch sử đất nước". Chính quyền Israel lo ngại vụ lây lan có thể trở thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong khi giới khoa học cảnh báo nguy cơ xuất hiện đại dịch mới từ cúm gia cầm.
Noga Kronfeld Shor, giáo sư động vật học tại Đại học Tel Aviv, nhận định cái chết của hàng nghìn con sếu ở Hula, một trong những khu bảo tồn chim hàng đầu thế giới, "là tình huống rất bất thường với hậu quả có thể mang tính toàn cầu". Ông lưu ý xác của các loài chim nước khác như bồ nông và diệc bạch cũng được tìm thấy cạnh những con sếu.
Giới chức Israel cảnh báo người dân không đến gần bất cứ loài chim hoang dã nào trông ốm yếu và không được chạm vào phân chim, bởi virus H5N1 rất dễ lây lan. Chỉ cần một ít phân từ con chim nhiễm bệnh dính vào ôtô cũng có thể phát tán virus. Giới chức sẽ đóng cửa đường cao tốc 886 phía bắc Israel trong vòng 10 ngày, kể từ hôm nay.
Yoav Motro, chuyên gia tại Bộ Nông nghiệp Israel, cho biết các đặc điểm của virus H5N1 hiện nay dường như đối lập với nCoV. "So với nCoV, khả năng con người nhiễm H5N1 cực kỳ thấp. Nhưng khác với Covid-19, nguy cơ tử vong nếu nhiễm H5N1 là rất cao. Đây là một tình huống bi thảm về sinh thái, còn chúng tôi đơn giản là không biết nó sẽ kết thúc ra sao, hoặc dẫn đến điều gì", Motro cho hay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một nửa trong số 863 người được xác nhận nhiễm virus cúm gia cầm mà họ theo dõi kể từ năm 2003 đã tử vong. Mặc dù hầu hết các chủng hoặc biến chủng của H5N1 tương đối khó lây truyền sang người, Yossi Leshem, nhà điểu học nổi tiếng hàng đầu Israel, nhận định virus vẫn có khả năng đột biến thành những chủng mới gây đe dọa như cách virus corona tiến hóa.
"Có thể xuất hiện một đột biến giúp virus lây nhiễm sang người và trở thành thảm họa quy mô lớn", Leshem, giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Hoạt động di cư của Chim, cảnh báo. Hiện chưa có người Israel nào nhiễm H5N1, nhưng giới chức đã yêu cầu tất cả những người từng tiếp xúc với các loài chim hoang dã sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu.
Các nhà khoa học Israel chưa nắm được đầy đủ quy mô của vụ sếu chết hàng loạt, do nguy cơ cao từ hoạt động khảo sát ở khu vực đầm lầy và đất ngập nước tại khu bảo tồn. Nỗ lực thu thập xác chim chết vì H5N1 cũng gặp nhiều khó khăn, do nhân viên khu bảo tồn thiếu đồ bảo hộ chống thấm nước.
Yotam Bashan, chuyên gia tại Đài quan sát Chim Jerusalem, cho biết vụ sếu chết hàng loạt chủ yếu xảy ra tại thung lũng Hula ở phía bắc Israel, nhưng xác sếu còn xuất hiện tại nhiều địa điểm khác.
"Chẳng có cách nào để biết điều gì sẽ xảy ra. Khi phát hiện virus cúm gia cầm trong chuồng gà, bạn có thể tiêu hủy toàn bộ đàn gà và khử trùng chuồng. Nhưng trong tự nhiên, với mức độ lây nhiễm này, tôi không biết chuyện sẽ đi tới đâu. Tôi cảm thấy lo lắng", chuyên gia Motro cho biết.
Shalom Bar Tal, nhiếp ảnh gia động vật hoang dã kỳ cựu, cho biết ông là một trong số ít những người được phép tiếp cận khu bảo tồn vào ban đêm để quan sát đàn sếu đang chết dần. "Tình huống này có thể biến thành thảm họa sinh thái nghiêm trọng không kém gì đại dịch Covid-19", Bar Tal nhận xét.
Cả Motro và Bar Tal đều cảm thấy đau lòng khi chứng kiến đàn sếu nhiễm virus trở nên yếu ớt. Motro cho biết loài sếu gắn bó bên nhau trọn đời và sinh sống trong những nhóm gia đình có mối liên kết bền chặt. "Điều đó có nghĩa là khi một con chết, thành viên thân thiết trong gia đình sẽ là con tiếp theo ra đi", chuyên gia nói.
"Không có cách chữa trị hay ngăn cản điều đó", Motro cho hay, bày tỏ hy vọng virus H5N1 không đột biến và lây nhiễm sang những loài khác, trong đó có con người.
Ánh Ngọc (Theo Daily Beast, Haaretz)