Kể từ thời điểm các hãng truyền thông tuyên bố Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 7/11/2020, giúp ông trở thành tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ tiếp theo, giới chức Lầu Năm Góc đã biết họ sẽ đối mặt một cuộc chiến cam go để ngăn chặn kế hoạch rút hết lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan, dù trước đó cũng từng nỗ lực thuyết phục Donald Trump, người tiền nhiệm của Biden.
Lầu Năm Góc đã đưa ra những cảnh báo nghiêm túc với tổng thống đắc cử Biden về khả năng Taliban lấn át quân đội Afghanistan nếu Mỹ rút quân. Các chỉ huy Mỹ nhận thức được rằng những yếu kém của quân đội Afghanistan chưa bao giờ được giải quyết, bao gồm nạn tham nhũng thâm căn cố đế, binh sĩ và cảnh sát bị nợ lương suốt nhiều tháng, tình trạng đào ngũ, thiếu đồ ăn nước uống.
Sau khi Biden nhậm chức, các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu chiến dịch vận động hành lang để duy trì một lực lượng chống khủng bố nhỏ tại Afghanistan thêm vài năm nữa.
Họ nói với Tổng thống rằng dưới thời Trump, Taliban đã phát triển mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai thập kỷ qua. Tình báo Mỹ cũng dự đoán al-Qaeda có thể tìm được chỗ đứng mới tại Afghanistan trong 2-3 năm nữa.
Ngay sau khi tướng Lloyd Austin tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào ngày 22/1, ông cùng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã khuyến nghị Biden giữ lại 3.000-4.500 lính tại Afghanistan, gần gấp đôi con số 2.500 lính đang hiện diện ở đó.
Đến ngày 3/2, một ủy ban do quốc hội Mỹ chỉ định dưới sự dẫn dắt của Joseph Dunford, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, công khai khuyến nghị Biden hủy thời hạn rút quân vào ngày 1/5 như trong thỏa thuận hòa bình Doha được chính quyền Trump ký với Taliban hồi tháng 2/2020.
Theo ủy ban, Mỹ chỉ nên rút bớt quân khi các điều kiện an ninh đã được cải thiện. Họ đánh giá việc đặt nặng thời hạn rút quân hơn xem xét mức độ tuân thủ thỏa thuận của Taliban làm gia tăng nguy cơ bùng phát nội chiến tại Afghanistan ngay sau khi các lực lượng quốc tế rời đi.
Tuy nhiên, sau nhiều năm giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Biden dường như trở nên vô cùng nghi ngờ những nỗ lực tái thiết quốc gia khác của Mỹ. Ông đặt câu hỏi rằng vài nghìn lính Mỹ có thể làm gì nếu Kabul bị tấn công. Theo các trợ lý, Biden đánh giá sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ khiến chính phủ Afghanistan ngày càng phụ thuộc vào họ, trì hoãn việc chịu trách nhiệm bảo vệ chính đất nước mình.
Ông chủ Nhà Trắng từng nói với đội ngũ an ninh quốc gia, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, rằng ông tin bất kể Mỹ làm gì, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc nội chiến khác. Theo Biden, đây là điều mà Washington không thể ngăn chặn và cũng không nên dính líu.
Đến tháng 3, giới chức Lầu Năm Góc cho biết họ nhận ra rằng việc thuyết phục Biden sẽ không đi đến đâu. Ông lắng nghe lập luận của họ và đặt thêm các câu hỏi, nhưng họ cảm giác Tổng thống đã quyết.
Cuối tháng đó, Austin và Milley thực hiện nỗ lực cuối cùng bằng cách dự báo những kết quả thảm khốc đối với quân đội Afghanistan khi Taliban tiến công. Họ so sánh viễn cảnh này với cách quân đội Iraq bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) lấn át vào năm 2014 sau khi lực lượng Mỹ rời Iraq, khiến cựu tổng thống Barack Obama phải đưa quân trở lại. "Chúng ta trước đây đã chứng kiến cảnh này", các quan chức giấu tên am hiểu vấn đề dẫn lời Austin nói với Biden.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ kiên quyết không thay đổi quan điểm. Theo lời kể của các trợ lý, ông đã hỏi rằng nếu chính phủ Afghanistan không thể kiềm chế Taliban vào lúc này, thì đến khi nào họ mới có thể. Không có quan chức Lầu Năm Góc nào trả lời được câu hỏi của Tổng thống.
Sáng 6/4, Biden nói với Austin và Milley rằng ông muốn toàn bộ lính Mỹ rút khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Những đánh giá tình báo mà Biden nhận được phần nào đảm bảo rằng nếu Afghanistan sụp đổ một cách đẫm máu, ít nhất viễn cảnh đó sẽ được trì hoãn.
Gần đây nhất là vào cuối tháng 6, các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán rằng ngay cả khi Taliban tiếp tục đà tiến công, ít nhất một năm rưỡi nữa thủ đô Kabul mới bị đe dọa, bởi lực lượng quân đội Afghanistan nắm lợi thế về số lượng và hỏa lực trên không.
Cuộc rút quân của Mỹ diễn ra khá nhanh chóng. Trước ngày 4/7, họ đã bàn giao căn cứ không quân trọng yếu Bagram cho phía Afghanistan, chấm dứt toàn bộ hoạt động quân sự chính của Mỹ tại nước này. Một tuần sau, Biden cho biết người Afghanistan "có khả năng" tự bảo vệ mình. "Câu hỏi là liệu họ có làm vậy hay không", ông nói.
Giới phê bình cho rằng Biden đã đánh giá thấp tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Mỹ, ngay cả với số lượng binh sĩ khiêm tốn, và cách tiến hành kế hoạch rút quân khiến vấn đề thêm tồi tệ.
Theo David Petraeus, cựu chỉ huy các lực lượng quốc tế tại Afghanistan, đội ngũ của Biden "không nhận ra rủi ro phát sinh" khi nhanh chóng rút lực lượng tình báo, các máy bay trinh sát và hàng nghìn nhà thầu, những người giúp duy trì hoạt động cho không quân Afghanistan, giữa lúc cuộc giao tranh vô cùng căng thẳng. Kết quả là lực lượng bộ binh Afghanistan "chịu tác động tâm lý khủng khiếp" khi họ nhận ra không còn không lực yểm trợ như trước đây, Petraeus phân tích.
Các quan chức trong chính quyền Biden từng phản bác rằng quân đội Afghanistan đã khiến quy mô lực lượng Taliban giảm từ khoảng 300.000 xuống 75.000. "Họ sở hữu một lực lượng không quân có năng lực, trang bị hiện đại và được chúng tôi huấn luyện trong 20 năm qua. Giờ là lúc sử dụng những lợi thế đó", thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm 13/8. Tuy nhiên, dường như không có lợi thế nào mà Kirby đề cập tạo ra sự khác biệt.
Với cảm giác bị Mỹ bỏ rơi và thiếu chỉ đạo, quân đội Afghanistan nhanh chóng tan rã, tạo điều kiện cho Taliban liên tiếp giành quyền kiểm soát những thành phố chủ chốt và tiến vào Kabul hôm 15/8. Richard Fontaine, giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ Mới, chỉ ra rằng yếu tố quan trọng hơn cả những ưu thế về số lượng, không lực, trang bị và huấn luyện, là ý chí chiến đấu.
Hôm 14/8, khi thành phố lớn cuối cùng ở miền bắc Afghanistan rơi vào tay Taliban, Biden đã đẩy nhanh việc triển khai thêm 1.000 binh sĩ để hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ, đồng thời đưa ra một tuyên bố dài cho rằng Trump ít nhất chịu một phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng.
"Tôi thừa hưởng từ người tiền nhiệm một thỏa thuận mang lại vị thế quân sự mạnh nhất cho Taliban kể từ năm 2001, đặt thời hạn rút quân vào ngày 1/5 với quân đội Mỹ", tuyên bố có đoạn.
Biden cho biết sau khi nhậm chức, ông có thể chọn tuân theo thỏa thuận hoặc "tăng cường hiện diện, đưa thêm lính Mỹ đến chiến đấu một lần nữa trong cuộc xung đột nội bộ của một quốc gia khác".
"Tôi là tổng thống thứ tư chỉ đạo sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Đã có hai tổng thống Cộng hòa và hai tổng thống Dân chủ. Tôi sẽ không chuyển cuộc chiến này sang người thứ năm", Biden tuyên bố.
Ánh Ngọc (Theo NYTimes)