Một năm trước, người đàn ông như "chết lặng" giữa sân Bệnh viện K khi biết tin bản thân mắc ung thư thực quản giai đoạn hai. Ông là trụ cột gia đình, vì thế bị ung thư là một cú sốc khiến người bệnh suy sụp, tuyệt vọng. Tuy nhiên, thay vì chọn phác đồ hóa xạ trị, ông Sơn xin bác sĩ về nhà tự điều trị thuốc nam.
5 tháng sau, bệnh nhân nuốt nghẹn, thậm chí không còn ăn được cháo hay tiếp tục uống thuốc nam. Những cơn đau ngực liên tiếp hành hạ buộc ông quay lại viện kiểm tra.
Nhớ lại ca bệnh, bác sĩ Lê Văn Thành, làm việc ở Bệnh viện K, hiện công tác tại Bệnh viện Đại học Showa, Nhật Bản, nói vô cùng ám ảnh. Cầm kết quả phim chụp trên tay, vị bác sĩ lắc đầu thông báo khối u đã xâm lấn vào khí quản, gây rò thực quản – khí quản. Xét nghiệm đông máu của người bệnh bị rối loạn do thuốc nam, tiểu cầu giảm dưới 50.
"Lúc này, chúng tôi không thể can thiệp phẫu thuật để giúp bệnh nhân ăn uống bình thường được", ông Thành nói.
Trường hợp khác, nam, 48 tuổi, mắc u thực quản, không ăn uống được, kiên quyết dùng thuốc cổ truyền. Trước đó, bác sĩ thuyết phục người bệnh phẫu thuật mở đường ăn, thông dạ dày thì mới uống được thuốc nam (theo mong muốn gia đình). Nhưng, người thân và bệnh nhân kiên quyết không động dao kéo và xin về.
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp xin về nhà chữa ung thư bằng thuốc nam hoặc thực phẩm chức năng trong khi họ vẫn có cơ hội điều trị bằng phương pháp Tây y. Theo bác sĩ Thành, tình trạng nhiều người bệnh bỏ điều trị, không tin tưởng phác đồ, đặt cược vào thuốc nam chữa ung thư ngày càng phổ biến.
"Nhiều trường hợp sau điều trị thuốc nam thì di căn nặng, vỡ u, không còn khả năng phẫu thuật, chỉ có thể điều trị giảm đau, kéo dài sự sống", bác sĩ nói, thêm rằng tự ý bỏ điều trị, xin về uống thuốc nam là đánh bạc với sinh mệnh.
Giải thích hiện tượng trên, bác sĩ Thành cho rằng hầu hết trường hợp do thiếu hiểu biết, trình độ văn hóa hạn chế. Nhiều người nghi ngờ y học hiện đại, luôn nghĩ ung thư là án tử, không thể chữa khỏi, nên họ về nhà tìm các biện pháp khác.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư thường bị lôi kéo, dụ dỗ từ các "lang băm" trên mạng xã hội hoặc tại nơi sinh sống. Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện K, cho biết không ai dễ dàng chấp nhận việc bản thân bị ung thư. Do đó, khi nghe thầy lang nói những câu như "nhà tôi ba đời làm nghề, chỉ cân bốc cân thuốc là khỏi", người bệnh vẫn tin tưởng hơn, thay vì phải nghe câu nói từ bác sĩ như "tôi sẽ mổ nhưng không dám khẳng định có thể khỏi bệnh".
"Lời nói thật không đáp ứng được kỳ vọng của bệnh nhân, nên nhiều người không đặt niềm tin vào y học", ông Nam nói.
Chưa kể, điều trị ung thư rất tốn kém, nhất là khi sử dụng các thuốc mới, như thuốc đích và thuốc miễn dịch, còn thuốc nam lại rẻ và tiện, chỉ mất vài trăm nghìn có thể dùng cả tháng.
"Đây là hành vi kinh doanh trên niềm tin của bệnh nhân và người nhà, khiến bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội vàng, đáng bị lên án", bác sĩ Nam nói.
Tương tự, bác sĩ Thành cho rằng việc bệnh nhân tự ý bỏ về là mối nguy lớn, làm tăng nguy cơ tử vong. Nghiên cứu của giáo sư Skyler Johnson, Đại học Yale, Mỹ, cho thấy nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân điều trị ung thư bằng khí công, yoga, châm cứu, ăn kiêng, ngồi thiền, thảo dược cao gấp 5 lần, trong vòng 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh, so với người được chữa trị bằng các phương pháp đã được khoa học chứng minh như phẫu thuật, xạ, hóa trị, miễn dịch học và hormone.
Mặt khác, điều trị ung thư ở giai đoạn càng muộn, càng tốn kém tiền bạc và mệt mỏi tinh thần. Ví dụ, với ung thư thực quản giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể chỉ cần cắt u qua nội soi, nằm viện từ một đến hai ngày. Trong khi ở giai đoạn tiến triển, người bệnh phải phẫu thuật cắt thực quản, hóa chất, xạ trị. Thời gian điều trị dài và chi phí cao hơn rất nhiều. Lúc này, người bệnh dễ lo lắng, trầm cảm, sa sút tinh thần.
Ngoài ra, khi bệnh nhân lựa chọn dùng thuốc nam, bác sĩ không thể can thiệp. Chỉ khi u to lên, người bệnh mới quay lại viện. Một số loại ung thư phát triển chậm, khối u có thể không thay đổi nhiều, khiến họ lầm tưởng thuốc nam "có hiệu quả" nên tiếp tục dùng. Cho đến khi bệnh nhân đau, suy kiệt, xuất hiện biến chứng, họ mới quay lại bệnh viện thì đã quá muộn.
Hơn nữa, nhiều loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn trong quá trình chế biến và bảo quản, có thể tiềm ẩn chứa đựng độc tố hoặc mầm bệnh. Trên thực tế, các bác sĩ chưa gặp người chữa khỏi nhờ thuốc nam.
Trên thực tế, bác sĩ Thành cho rằng một số nghiên cứu cho thấy thuốc cổ truyền có thể giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau điều trị ung thư, tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay, các phương pháp chữa bệnh "không chính thống" đã được chứng minh không thể thay thế y học hiện đại trong khám, chữa bệnh, nhất là trong điều trị ung thư.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên phủ nhận vai trò của y học hiện đại, sợ "đụng dao kéo", đặt cược sức khỏe và tính mạng vào thuốc nam, với hy vọng "khỏi bệnh".
"Bệnh nhân không nên tin vào những lời quảng cáo, đồn thổi, chia sẻ trên mạng xã hội để làm theo, tránh tiền mất tật mang, lỡ mất thời gian vàng điều trị, khiến ung thư chuyển sang giai đoạn muộn hơn, thậm chí đã quá muộn, khó cứu chữa", ông Nam cho hay.
Minh An
*Tên nhân vật được thay đổi