Trên một hòn đảo ở Vòng Bắc Cực, cách Washington khoảng 6.400 km và không xa nơi Nga đặt căn cứ tàu ngầm, các sĩ quan mặc quân phục dã chiến của Na Uy luôn cảnh giác trước bất cứ phương tiện nào xuất hiện. "Vì tình hình chính trị, chúng tôi đang kiểm tra mọi thứ ở đây", một sĩ quan nói.
Vài năm qua, các quan chức an ninh và tình báo của châu Âu và Mỹ đã theo dõi sát mọi diễn biến ở Vòng Bắc Cực với nhận thức rõ ràng rằng băng ở hai cực tan chảy sẽ mở ra các tuyến đường thương mại mới, thúc đẩy cuộc đua giành tài nguyên thiên nhiên ở đây và định hình lại an ninh toàn cầu.
Giới chức phương Tây cũng theo dõi cách Nga hồi sinh những địa điểm quân sự thời Liên Xô tại đây hay cách Trung Quốc lên kế hoạch cho "con đường tơ lụa vùng cực".
Nhưng xung đột ở Ukraine và tình hình lao dốc trong quan hệ giữa phương Tây với Moskva đã làm gia tăng tầm quan trọng địa chiến lược của Bắc Cực và biến khu vực biên giới băng giá giữa Nga với Na Uy trở thành điểm nóng. Hệ quả là một cuộc cạnh tranh về lợi ích quân sự, ngoại giao vào tình báo đang diễn ra ở nơi này.
Hồi đầu năm, một tàu sân bay Mỹ đã ghé thăm cảng Na Uy lần đầu tiên sau 65 năm, trước khi tham gia tập trận với các đồng minh NATO.
Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Antony Blinken thăm khu vực và thông báo rằng Mỹ sẽ mở lại một cơ quan ngoại giao ở Tromso, thành phố ven biển ở Bắc Cực của Na Uy.
Hội đồng Bắc Cực, một tổ chức liên chính phủ thúc đẩy hợp tác, đang bị xáo trộn vì 7 thành viên từ chối làm việc ở cấp độ chính trị với thành viên thứ 8 là Nga, làm gián đoạn hợp tác trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu.
Trong năm qua, truyền thông Na Uy đã đưa tin về việc máy bay không người lái (UAV) không rõ lai lịch tiếp cận các sân bay và cơ sở dầu khí của nước này. Na Uy cũng trục xuất các nhà ngoại giao Nga với lý do hoạt động gián điệp. Gần đây nhất, một người đàn ông bị cáo buộc thu thập thông tin tình báo bất hợp pháp khi đóng giả là nhà nghiên cứu đến từ Brazil tại một trường đại học Na Uy.
Từ một tháp canh gần cảng biển Kirkenes, những người lính Na Uy liên tục giám sát khu vực trống trải dọc biên giới với Nga. Hồi tháng một, cách tháp canh này không xa, một người tự xưng là lính Wagner đào tẩu đã băng qua hồ nước đóng băng trong đêm để vượt biên vào Na Uy.
Tướng Lars Sivert Lervik, tư lệnh quân đội Na Uy, cho hay bầu không khí yên tĩnh ở biên giới phía đông bắc này không đủ để ông cảm thấy yên tâm. "Năng lực của Nga ở phía bắc, trong đó có cả vũ khí hạt nhân, vẫn còn nguyên vẹn", ông nói.
Các quan chức phương Tây cũng lo lắng rằng Nga có thể chặn những tuyến đường vận chuyển thương mại hoặc các tàu hải quân Mỹ trên đường đến châu Âu, đặc biệt là tại một nút thắt hàng hải tiềm tàng được gọi vùng GIUK.
Vùng GIUK là nơi ngăn cách biển Na Uy và biển Bắc với Đại Tây Dương, được đặt tên theo chữ viết tắt của 3 quốc gia án ngữ tại đây gồm Greenland, Iceland, và Anh. Khu vực này nằm rất gần bán đảo Kola, nơi có sở chỉ huy Hạm đội Biển Bắc của Nga.
Theo một quan chức tình báo phương Tây am hiểu vấn đề, nguy cơ Nga phong tỏa vùng GIUK khi xung đột nổ ra "là một thách thức nghiêm trọng đối với NATO".
Giám đốc chính sách quốc phòng tại Bộ Quốc phòng Phần Lan Janne Kuusela nói rằng nguy cơ đối đầu quân sự ở Bắc Cực vẫn còn thấp, nhưng không có gì đảm bảo xung đột sẽ không xảy ra trong vài năm tới.
Trong phòng tin tức của mình, biên tập viên Thomas Nilsen từ báo Barents Observer lấy ra một tấm bản đồ. Ông chỉ vị trí của Kirkenes, chỉ cách biên giới Nga vài km, và cạnh đó là căn cứ với các khí tài hải quân và không quân tiên tiến nhất của Hạm đội phương Bắc. Nilsen lấy bút vẽ dọc bản đồ để chỉ ra những gì Nga coi là pháo đài và nơi các tàu ngầm của họ có thể ẩn náu.
Trong hơn ba thập kỷ, các nhà ngoại giao và nhà khoa học lập luận rằng vấn đề Bắc Cực phải tách biệt khỏi chính trị. Khi được thành lập vào năm 1996, Hội đồng Bắc Cực đã mô tả khu vực Bắc Cực là vùng đất hòa bình và hợp tác, theo Tuyên bố Ottawa, văn kiện thành lập tổ chức.
Nhưng chiến sự Ukraine đã khiến các 7 thành viên phương Tây trong hội đồng gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển chống lại thành viên còn lại là Nga. Các thành viên này hồi tháng 3 năm ngoái tuyên bố tẩy chay các cuộc họp trong tương lai vì hành động của Nga ở Ukraine, khiến các dự án liên quan đến Bắc Cực rơi vào bế tắc.
Những bất hòa ngoại giao tại Hội đồng Bắc Cực đã làm bật lên cuộc cạnh tranh căng thẳng trong khu vực. "Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là giữ cho hội đồng tồn tại, nguyên vẹn", Morten Hoglund, quan chức cấp cao tại Hội đồng Bắc Cực, cho biết.
Nhưng Marc Lanteigne, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tromso, Na Uy và là chuyên gia về các vấn đề Bắc Cực, cho rằng các nước khó lòng cứu vãn được diễn đàn này.
"Nếu Hội đồng Bắc Cực đối mặt với tình trạng bế tắc dài hạn, chúng ta có lẽ cần một diễn đàn khác để thảo luận về biến đổi khí hậu và các con tàu đi quanh Bắc Cực", ông nói. "Chúng ta chắc chắn sẽ thấy những cuộc cạnh tranh quyền lực ngầm ở khu vực này của thế giới".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)