Căng thẳng Mỹ và Trung Quốc tuần này leo thang, sau khi Mỹ cáo buộc hai hacker Trung Quốc tấn công doanh nghiệp nước này để đánh cắp thông tin về vaccine Covid-19. Sau đó, Mỹ lại ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để bảo vệ sở hữu trí tuệ và dữ liệu của công dân Mỹ.
Các công ty tại Wall Street vẫn đang nghiên cứu sự thay đổi trong mối quan hệ cộng sinh đã kéo dài hàng thập kỷ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ kết luận rằng thế giới đang ngày càng phân cực. Các nền kinh tế và doanh nghiệp đang ngả về phía Mỹ, hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự tái sắp xếp này có thể còn phức tạp hơn, nếu nhìn vào cách Trung Quốc xử lý đại dịch và áp dụng luật an ninh quốc gia lên Hong Kong. "Mỹ, phương Tây và Trung Quốc sẽ rất khó quay lại bình thường", Jimmy Chang - chiến lược gia đầu tư tại Rockefeller Asset Management nhận xét.
Danh mục đầu tư sẽ thay đổi
Căng thẳng lần này chưa tác động nhiều lên thị trường chứng khoán. Hôm qua (22/7), Phố Wall vẫn tăng điểm. Còn hôm nay, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite chỉ giảm nhẹ.
Tuy nhiên, Chang cho rằng nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Hiện tại, họ mới chỉ tập trung vào việc các thị trường đang hưởng lợi thế nào từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ khổng lồ từ các chính phủ.
Việc tái sắp xếp chuỗi cung ứng và xu hướng thương mại thay đổi có thể tác động mạnh đến các doanh nghiệp và nền kinh tế. Ed Yardeni - Chủ tịch hãng nghiên cứu Yardeni Research thì cho rằng mối quan hệ này xấu đi là lý do ông dự báo thị trường sẽ giảm hơn 20%.
Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, BlackRock cho rằng đại dịch đang khiến Mỹ và Trung Quốc càng mâu thuẫn. "Sự đối đầu dường như sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, bất chấp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Các nước khác sẽ ngày càng bị thúc giục chọn phe. Sự tách rời giữa hai nền kinh tế đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ, nhưng sẽ không giới hạn ở đây. Điều này có nghĩa nhà đầu tư phải hiện diện tại cả hai thị trường", BlackRock cho biết.
Mike Pyle - chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại BlackRock cho biết đây là điều nhà đầu tư cần cân nhắc khi cấu trúc danh mục. "Danh mục phải cân bằng về độ hiện diện giữa hai động cơ tăng trưởng lớn của toàn cầu. Một là Mỹ, rộng ra là Bắc Mỹ. Và một là Đông Á, với trọng tâm tại Trung Quốc. Bạn có thể nắm trực tiếp tài sản Trung Quốc, hoặc gián tiếp thông qua Đài Loan, Hàn Quốc, Australia hay Nhật Bản", ông nói.
Pyle cho biết trước đó, các khoản đầu tư được thiết kế để hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Nhưng xu hướng này đang thay đổi. "Các nền kinh tế đang ngày càng không liên quan đến nhau. Các thị trường tài chính cũng vậy", Pyle giải thích, lấy ví dụ lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang tăng, trong khi lợi suất Mỹ lại giảm.
Tác động đến doanh nghiệp
Giới phân tích cho rằng khi cuộc bầu cử tại Mỹ đang đến gần, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ tăng chỉ trích Trung Quốc để giành phiếu bầu. Chang cũng cho biết từ góc nhìn của Trung Quốc, cứng rắn với phương Tây cũng giúp họ có lợi tại quê nhà. Cả hai bên khó có khả năng thay đổi quan điểm.
Chang cho rằng việc này có thể khiến các công ty Mỹ tổn hại, nhưng hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa nhắm vào họ. "Đến nay, Trung Quốc vẫn khá tử tế với các công ty Mỹ, do chính phủ Trung Quốc có xu hướng coi doanh nghiệp Mỹ là người sẽ vận động hành lang cho họ tại Washington", Chang cho biết.
Tuần này, Mỹ đã cấm 11 công ty Trung Quốc mua công nghệ và sản phẩm khác của Mỹ mà không có giấy phép đặc biệt. 11 công ty này đã, hoặc đang là nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu quốc tế, như Apple, Alphabet, HP Hugo Boss và Ralph Lauren.
Pyle cho biết các công ty đa quốc gia đang dần chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng.
Trong một báo cáo gần đây, Morgan Stanley đã nghiên cứu ảnh hưởng lên 35 ngành công nghiệp trong trường hợp hai nền kinh tế này chia tách. Trong đó, 11 ngành sẽ cảm nhận nhiều nhất tác động từ việc chi phí tăng và việc kinh doanh gặp nhiều thách thức. Trong đó có ôtô và linh kiện ôtô toàn cầu, giao thông và vũ trụ toàn cầu, nguyên liệu sản xuất toàn cầu, phần cứng và Internet Mỹ, sản phẩm bán dẫn Mỹ và châu Á.
Trong khi đó, 13 ngành sẽ hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường. Trong đó có hóa chất, đồ uống, hàng xa xỉ, dược phẩm, công nghệ sinh học, ngân hàng và bảo hiểm.
Tác động lên thị trường vốn
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng đang xáo trộn thị trường vốn hai nước. Mỹ muốn hủy niêm yết các công ty Trung Quốc không chứng minh được là có thể kiểm toán và không thuộc sở hữu nhà nước. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngại niêm yết tại Mỹ. Cách đây vài ngày, Ant Group (thuộc Alibaba) lên kế hoạch làm IPO tại Thượng Hải và Hong Kong. Đây sẽ là một trong những vụ IPO lớn nhất năm nay.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson gần đây công bố báo cáo cho biết kế hoạch hủy niêm yết của Mỹ là vô ích, do ngành tài chính hai nước đang ngày càng phụ thuộc vào nhau. Goldman Sachs hồi tháng 3 được phép nâng tỷ lệ sở hữu tại liên doanh Goldman Sachs Gao Hua Securities lên 51%. Morgan Stanley cũng được nâng cổ phần trong Morgan Stanley Huaxin Securities lên 51%.
Bên nào sẽ hưởng lợi
Trong báo cáo, Morgan Stanley cho rằng sẽ có một số bên hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, ví dụ các doanh nghiệp Internet châu Á và hãng phần mềm châu Âu. Nhiều lĩnh vực khác thậm chí không bị tác động, như năng lượng, kim loại và khai mỏ.
"Từ quan điểm thương mại toàn cầu, tôi cho rằng lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Còn nếu đánh giá doanh nghiệp nào sẽ mạnh hơn hay yếu hơn, bạn biết rồi đấy, sự chuyển dịch sẽ luôn gây thiệt hại cho công ty này, nhưng lại giúp công ty khác. Tương tự với các quốc gia. Ấn Độ hay Indonesia liệu sẽ hưởng lợi khi ngày càng nhiều nước phương Tây dịch chuyển chuỗi cung ứng hay không?", Chang tự hỏi.
Hà Thu (theo CNBC, Bloomberg)