Chiều 13/12, tại hội thảo khoa học về sử dụng, phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đã đạt được một số kết quả. Song, đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi những nhận thức mới.
Giáo sư Đỗ Thế Tùng (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, phải phát huy tối đa những nguồn lực gắn với các nhân tố sức sản xuất của lao động. Đó là người lao động (nhân lực), khoa học và công nghệ, tổ chức và quản lý, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, điều kiện tự nhiên.
Riêng về tổ chức và quản lý, GS Tùng nhấn mạnh phải xử lý tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Ngày nay, hầu hết nước đều phát triển nền kinh tế hỗn hợp - tức là kinh tế thị trường có sự quản lý (hay điều tiết) của nhà nước. Vai trò của quản lý nhà nước thể hiện ở việc tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, điều tiết sản xuất, điều tiết phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý kinh tế để phát huy tác động tích cực, ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp và người dân. Không thể xác định những nguyên tắc chung hay những phương thức thống nhất để xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường cho mọi nước, vì việc xử lý này tùy thuộc vào mô hình kinh tế cụ thể của từng nước.
Ví dụ, nước theo lý thuyết của chủ nghĩa tự do mới (như Mỹ), nêu khẩu hiệu "Nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn"; nước theo mô hình kinh tế thị trường hướng vào phúc lợi xã hội (như Thụy Điển) lại nhấn mạnh "xã hội hóa phân phối là căn bản"; còn nước theo hô hình kinh tế thị trường xã hội (như nước Đức) lại theo phương châm "thị trường ở mọi lúc mọi nơi, nhà nước ở những lúc, những nơi cần thiết".
Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chứng tỏ khẩu hiệu "nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn" đã dẫn đến buông lỏng quản lý của nhà nước và gây ra hậu quả tồi tệ. Việc xã hội hóa phân phối ở Thụy Điển lại chỉ ra giới hạn điều tiết của nhà nước. Còn phương châm "thị trường ở mọi lúc mọi nơi, nhà nước ở những lúc những nơi cần thiết" tỏ ra ưu việt hơn so với hai cách xử lý ở trên.
Thị trường vận hành thuận lợi, cạnh tranh tự do lành mạnh sẽ sử dụng được các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, thu được lợi nhuận cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng cạnh tranh tự do tất yếu đòi hỏi phải phân phối tương xứng với phần đóng góp của mỗi người, và sẽ không tính đến những khía cạnh nhân đạo, xã hội. Bởi vậy nhà nước cần phải có những chính sách để điều tiết giảm bất công xã hội thông qua thuế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội...
Theo các chuyên gia, sự can thiệp của nhà nước chỉ cần thiết ở nơi nào cạnh tranh không hiệu quả; bởi vậy, dù cần một chính phủ mạnh và một lực lượng kinh tế mạnh làm chỗ dựa vững chắc cho sự điều tiết của nhà nước nhưng không có lý do gì để nhà nước can thiệp vào nơi thị trường đang hoạt động có hiệu quả. Nhà nước phải cân nhắc thận trọng khi hành động vì sai lầm của nhà nước còn tai hại hơn khuyết tật của thị trường.
"Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Cộng hòa Liên Bang Đức là một trong những nước ít chịu ảnh hưởng nhất, và vượt qua suy thoái sớm", GS Tùng nói. Ông cho rằng ở Việt Nam, quản lý doanh nghiệp chưa được hoàn toàn tự chủ, quản lý nhà nước còn nhiều nhược điểm vì có nhiều quy định ràng buộc hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra những sự can thiệp không cần thiết của bộ máy nhà nước.
GS.TSKH Võ Đại Lược cũng cho rằng, ở những nước đang chuyển sang kinh tế thị trường như nước Việt Nam, thì Nhà nước càng có vai trò quan trọng việc xóa bỏ các rào cản của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế - xã hội để tạo môi trường, điều kiện và khung pháp lý cần cho kinh tế thị trường ra đời và phát triển.
Khi chưa có thị trường, Nhà nước phải tạo dựng các thị trường, khi đã có thị trường, Nhà nước phải sử dụng các công cụ thị trường mới có thể điều tiết, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế một cách hiệu lực và có hiệu quả. Khi thị trường đã phân bổ phần lớn các nguồn lực, Chính phủ mới có thể tập trung vào thực hiện những chức năng nâng cao hiệu quả, khuyến khích công bằng, ổn định kinh tế vĩ mô ...
Theo GS Lược, các Đại hội Đảng đều đã khẳng định "thực hiện nhất quán lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Do đó, để phát triển kinh tế thị trường, ông đề ra 5 giải pháp. Đó là đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết về phát triển kinh tế thị trường cả về chiều rộng và chiều sâu; giảm độc quyền, giảm bảo hộ, bỏ bao cấp; xác định một lộ trình cho việc giãn dần và bỏ chế độ tỷ giá cố định, gia tăng tính thị trường của tỷ giá, đảm bảo tỷ giá luôn thấp hơn một chút so với giá trị thực của VND.
"Cần có những giải pháp và lộ trình thích hợp để VND có thể chuyển đổi tự do trên các tài khoản vãng lai và tài khoản vốn. Giải pháp quan trọng nhất là phải chuyển mạnh theo hướng cân bằng xuất nhập khẩu và xuất siêu, điều này đòi hỏi phải mở cửa thị trường bên ngoài hơn nữa, điều chỉnh tỷ giá, ưu đãi cho xuất khẩu", theo GS Lược.
Bên cạnh đó, cần phát triển các hình thức tài chính phi ngân hàng, các công ty tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán - đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được bán trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty cổ phần mà nhà nước không cần nắm giữ, ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược...
Cuối cùng, GS Lược đề nghị cần nghiên cứu, soạn thảo, sớm ban hành những bộ luật của kinh tế thị trường mà Việt Nam chưa có. Đồng thời, sớm sửa đổi một số Luật như Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Dân sự... cho phù hợp với kinh tế thị trường, giao quyền soạn thảo luật cho Quốc hội, không để các Bộ soạn thảo như hiện nay.