Chiều 26/11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo "Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, số hộ cá thể tham gia các HTX nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay quá thấp, khoảng 30%, trong khi con số này ở các nước hầu hết là 100%.
"Nếu hộ nông dân tập hợp vào HTX sẽ tạo ra chuỗi giá trị, hạn chế rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế thủ tục cho các tổ chức tín dụng", ông Bảo nói.
Ông cũng cho rằng, điều kiện cần thiết để phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia còn nhiều hạn chế. Quy hoạch vùng nguyên liệu trong liên kết vùng, tích tụ và tập trung ruộng đất, kết cấu hạ tầng sản xuất và thông tin... còn bất cập. Do đó, ông đề nghị, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất.
"Khi đó sẽ tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản", Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định.
TS. Nguyễn Như Quỳnh (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính) đánh giá, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp chưa khuyến khích người nông dân sử dụng đất hiệu quả. Định hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ phải hoàn thiện các chính sách thuế, hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, sẽ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản... Đồng thời, kéo dài thời gian cho thuê đất đối với khu vực kinh tế tư nhân; ưu đãi trong chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất; giá thuê đất ở mức thấp nhất và miễn tiền thuê đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, nhất là cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch.
Ông Nguyễn Thanh Dương (Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, trong giai đoạn vừa qua, để tạo nên 1 đồng tăng trưởng GDP thì trung bình toàn nền kinh tế phải đầu tư 7,2 đồng vốn. Trong khi đó, để tạo nên 1 đồng tăng trưởng GDP, ngành nông nghiệp chỉ cần đầu tư 5,5 đồng vốn.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chồng chéo, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Chính sách đầu tư cũng thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh và bố trí nguồn vốn còn bất hợp lý như nặng về thủy lợi (khoảng 60%), ưu tiên cho cây lúa, một số cây khả năng đem lại lợi nhuận cao lại ít được đầu tư...
Vì vậy, ông Dương kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm gánh nặng thuế, phí... cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xác định doanh nghiệp đóng vai trò "bà đỡ" để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm nông nghiệp có khó khăn do rủi ro lớn. Do đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng chính sách thuế theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro. "Đầu tư ngân sách nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tăng gấp đôi so với giai đoạn trước để đáp ứng nhu cầu phát triển", ông Hưng nói.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung Nguyễn Duy Hưng cho hay, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Do đó, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân năm 2008 sẽ được tổng kết để xem những kết quả đã làm được, những việc còn nợ người dân.
Phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 ghi nhận ý kiến đề xuất của các chuyên gia. Ông nói, tất cả sẽ được tập hợp, làm cơ sở nghiên cứu xây dựng dự thảo chính sách mới, đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn, tạo động lực phát triển cho nông nghiệp.
Thống kê cho thấy, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của Covid-19. Thu nhập bình quân năm ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng một người năm 2010 lên trên 42 triệu đồng một người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5% mỗi năm và đến hết 2020 còn 4,2%.
"Thực tế cho thấy nợ xấu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại thấp nhất trong các ngành kinh tế. Thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng cho khu vực này", ông Hưng nhấn mạnh.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII về "nông dân thông minh", các Bộ ngành chức năng phải đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu số lớn của ngành nông nghiệp từ đất đai, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi... đến thị trường. Đồng thời, quan tâm các gói bảo hiểm mùa màng cho người nông dân bên cạnh bảo hiểm khoản vay...
Theo Ban Kinh tế Trung ương, giai đoạn 2008-2020, nông nghiệp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (2,94% một năm) và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 8,17% một năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Năm 2020, sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.