Miền Bắc đang ở thời điểm giao mùa đông - xuân, nồm ẩm, là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, ảnh hưởng sức khỏe. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết vi khuẩn làm giảm chất lượng dinh dưỡng có trong thức ăn, hư hỏng thức ăn, dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa, ngộ độc. Khoa học đã chứng minh, ăn thức ăn nhiễm nấm mốc có thể xảy ra ngộ độc cấp tính, thậm chí ngộ độc mạn tính nếu cơ thể tích lũy dần nấm mốc và độc tố nấm.
Hầu hết thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày đều có nguy cơ bị nhiễm nấm mốc, theo ông Thịnh. Các loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, ít nhiều đều nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhẹ thì bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng. Những độc tố vi nấm tích lũy trong cơ thể, lâu ngày dẫn đến các bệnh nguy hiểm.
Ví dụ bánh chưng ngày Tết là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, vì vậy bánh để lâu dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh. Bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài, có thể cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán trước khi ăn.
Hay mứt chảy nước là sắp hỏng, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển.
Hiện nay khoa học đã biết đến có hàng nghìn loại nấm mốc sinh trưởng ở môi trường nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Bảo quản không tốt thực phẩm sẽ dẫn đến gia tăng tình trạng nấm mốc.
Do đó, ông Thịnh khuyên bảo quản thực phẩm bằng cách sơ chế làm sạch, cho vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín, trữ ở ngăn đông hoặc ngăn mát tủ lạnh. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến, không rã đông thực phẩm quá nhiều lần. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để vi khuẩn không tích tụ.
Không nên tích trữ đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh. Thức ăn đã nấu chín chỉ để trong tủ lạnh 1-2 ngày. Các loại rau, củ, quả nên dùng khi còn tươi.
Bát đũa sau khi rửa cần trải đều cho mau khô, hạn chế dùng dụng cụ bằng gỗ bởi lâu khô, dễ ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Thúy Quỳnh