Trước những hình ảnh cả nhóm học sinh lớp 7 tấn công bạo lực cô giáo và cả những hình ảnh cô giáo cầm dép ném vào học sinh, dư luận cả nước đã sục sôi. Ngay cả những bài báo đưa tin về sự việc này cũng tràn đầy những lời bình luận, mà trong đó cả trăm lời bình luận là của các bạn đọc phản bác quan điểm của nhau.
Đại khái có ba luồng ý kiến: học sinh nổi loạn cần cho vào trường giáo dưỡng, gia đình hở tí là đòi giáo viên phải trả giá, cô giáo có lỗi khi bạo lực với học sinh. Ai cũng tìm ra kẻ có lỗi, và ai cũng kiên quyết kêu gọi thực hiện những biện pháp mình đưa ra. Học sinh phải vào trường giáo dưỡng, cô giáo nên nghỉ việc, cha mẹ cần để yên cho giáo viên dạy dỗ con mình.
Việc này phản ánh tư duy "trắng đen", "báo thù" của nhiều người. Hễ có kẻ sai thì những người còn lại sẽ đúng. Hễ có kẻ sai thì phải trừng phạt. Không ai chấp nhận thực tế là một sự việc có thể có nhiều bên có lỗi, và xử phạt không phải là "báo thù", mà là sự cải tạo hành vi.
Những sự việc gây choáng váng kiểu này không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Ai cũng nhanh chóng chỉ về phía Hàn Quốc đã có một bộ luật bảo vệ giáo viên. Cụ thể bộ luật đó gồm những gì?
Trước đây, tại Hàn Quốc, giáo viên nào bị cha mẹ học sinh phàn nàn là lạm dụng con họ thì sẽ bị nghỉ dạy. Cha mẹ học sinh sử dụng điều luật này để hoang báo, vu oan cho các giáo viên mà họ không thích.
Luật mới yêu cầu giáo viên không bị nghỉ dạy ngay lập tức mà phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng. Giáo viên bây giờ được phép đuổi học sinh gây gián đoạn giờ học ra khỏi lớp mà không bị cho là lạm dụng học sinh. Các cuộc gọi của cha mẹ tới giáo viên đều được ghi âm, thậm chí bot máy tính còn được dùng để xét duyệt các nội dung phàn nàn của cha mẹ học sinh. Đại khái là cha mẹ học sinh mà dọa rằng họ sẽ đánh, hay làm cho lãnh đạo sa thải giáo viên, thì phần mềm sẽ lọc lại phần đó để giáo viên khỏi phải nghe khi trao đổi trực tiếp với cha mẹ học sinh.
Tôi thấy quy định mới chỉ đưa ra một thứ mà nhẽ ra phải được làm từ lâu, là có cáo buộc lạm dụng thì phải điều tra trước cái đã. Ai hoang báo thì phải nhận hậu quả của cái sự hoang báo của mình. Đó là những thứ cơ bản nhất trong luật pháp.
Ở nước ta, vấn đề nằm ở chỗ chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết những mâu thuẫn trong mối quan hệ giáo viên - học sinh - cha mẹ học sinh. Ngày xưa, lúc mà tôi còn đi học hồi thế kỷ trước, mối quan hệ hành xử theo lệ. Cái lệ đó là giáo viên được dùng vũ lực, giáo viên luôn đúng, con bị giáo viên đánh mà mách cha mẹ thì cha mẹ sẽ đánh thêm.
Hơn nữa, lúc đó chẳng có ghi âm, quay phim, mạng xã hội. Giáo viên là to, nói gì cũng sẽ đúng, học sinh bị đánh mà giáo viên nói là không có thì sẽ là không có.
Bây giờ thì những chiếc điện thoại và camera tạo điều kiện để các sự kiện được phô bày rõ rệt. Các hành động của cả giáo viên lẫn học sinh đều bị quay lại, nhưng một số người không thích nghi nổi với thực tế phũ phàng. Ai ai cũng phải tìm ra được người cái lỗi, và không thể chấp nhận sự thực là lỗi thuộc về nhiều người. Quan trọng hơn, rất nhiều người không xuất hiện trong thước phim đó cũng có lỗi, thậm chí rất nhiều là khác.
Đó có thể là cách hành xử của nhà trường khi có đơn khiếu nại cô giáo. Đó có thể là các cấp quản lý đã không giúp nhà trường nhanh chóng điều tra, điều chuyển, hay kỷ luật cô giáo, nếu phù hợp.
Đó có thể là nhà trường đã không tìm hiểu xem liệu học sinh đã có hành động bạo lực với cô giáo trước khi những thước phim đó được quay lại. Đó có thể là cơ quan chức năng đã nhận được đơn khiếu nại của cha mẹ học sinh nhưng không điều tra. Đó có thể là cha mẹ đã không nói chuyện, không cho con hay rằng không thể dùng bạo lực với cô giáo.
Mỗi một bộ phim được làm ra không phải bởi những diễn viên xuất hiện trên màn hình, mà nó được làm ra bởi rất nhiều người khác nhau. Đoạn video này, tuy không được đạo diễn và chỉ là hình ảnh của đời thực, nhưng vẫn là kết quả của rất nhiều người tham gia "sản xuất". Nếu như các bộ phim được đem ra công chiếu có cả một phần "ghi công" dài dằng dặc, thì đoạn video kinh khủng này cũng có sự "đóng góp" của rất nhiều người.
Cái thực sự cần là một bộ quy định hợp tình hợp lý để quản lý mối quan hệ giáo viên - học sinh - cha mẹ học sinh. Giáo viên không được dùng bạo lực, nhưng phải được phép yêu cầu học sinh ra khỏi lớp khi gây ồn.
Các loại hình phạt dành cho học sinh vi phạm kỷ luật phải nghiêm túc hơn, như là cấm túc, lao động công ích, học thuộc lòng các đọan luật pháp hay bài giảng nói về cách hành xử đúng mực của học sinh.
Cha mẹ học sinh phải được phép khiếu nại, nhưng phải có bằng chứng rõ ràng, và nếu cơ quan luật pháp xác định là hoang báo thì phải bị xử phạt.
Quan trọng hơn là cần phải có cơ quan để thực hiện các quy định này. Cơ quan giáo dục có cần một bộ phận chuyên điều tra các khiếu nại? Các cơ quan luật pháp phải vào cuộc khi được yêu cầu. Cha mẹ học sinh cũng phải nhận được thông báo cụ thể về hậu quả nếu họ hoang báo, và nếu con họ vi phạm kỷ luật.
Còn những ai không "tham gia sản xuất" các bộ phim nói trên thì nên xem xét lại bản thân mình để làm đúng trách nhiệm của mình. Nếu bạn là giáo viên thì nên học hỏi cách không sử dụng bạo lực. Nếu bạn là cha mẹ học sinh thì nên dành thời gian dạy dỗ con. Nếu bạn là học sinh thì bạn nên học cách giải quyết mâu thuẫn mà không dùng bạo lực.
Cái khó nhất là vế cuối, bởi các em học sinh còn nhỏ nên khó có thể chấn chỉnh bản thân. Đây chính là cái mà mỗi chúng ta có thể giúp các em, bằng cách làm tấm gương sáng, đừng mỗi thứ lại giành phần lợi về bản thân, nuông chiều cảm xúc nóng vội của mình.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.