Cho ý kiến vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáng 22/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhắc lại, tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về đầu tư nước ngoài (nghị quyết).
Trong đó xác định đây là "bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài". Đồng thời, Bộ Chính trị yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới. Quy định này cũng áp dụng cho quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Đến cuối tháng 4/2020, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, xây dựng quy định nêu trên và các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".
"Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và chuyên gia. Trong thực tế vừa qua nổi lên vấn đề pháp luật có kẽ hở để một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng. Báo cáo của Bộ Quốc phòng đã nêu tình trạng "núp bóng" sở hữu hoặc nhờ người Việt đứng tên mua đất ở khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, trong một số kỳ họp trước đây, đại biểu Quốc hội từng chất vấn lãnh đạo các bộ liên quan về việc người nước ngoài mua đất đai, thậm chí "lập xóm" ở khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng; tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời cụ thể, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường từng nói "chưa phát hiện" việc người nước ngoài mua đất ở Việt Nam.
"Đến nay thông tin trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng đã nêu khá chi tiết và rất đúng với vấn đề được đề cập trong nghị quyết của Bộ Chính trị", ông Nghĩa nói và cho rằng cần sớm xây dựng đạo luật về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó quy định rõ ràng nội dung liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng.
Ông phân tích, Luật Đầu tư quy định xin ý kiến Quốc hội các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường, việc sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; tuy nhiên, với các dự án lớn ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, sử dụng đất biên giới dưới 50 ha (có thể là 48 đến 49 ha) thì Quốc hội "không được hỏi ý kiến".
"Một diện tích không lớn, chỉ 5 đến 10 ha hoặc ít hơn, nhưng vị trí trọng yếu như gần sân bay quân sự cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và cần được quy định rõ trong luật để trở thành "bộ lọc" bảo vệ chủ quyền quốc gia", ông Nghĩa nói.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh, cũng cho rằng, lâu nay việc góp vốn, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có những trường hợp liên quan đến "vấn đề nhạy cảm", nhưng chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị để khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra. Đơn cử như tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".
Ông Đức đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng quy định bảo đảm về quốc phòng, an ninh trong hoạt động kinh tế để điều chỉnh bốn nhóm quan hệ xã hội. Bao gồm nhóm dự án đầu tư nước ngoài; nhóm về các hoạt động đầu tư gián tiếp mua bán, sáp nhập công ty; nhóm về các hoạt động vay nợ, chuyển nhượng tài sản; nhóm hợp đồng mua bán lớn trong lĩnh vực hàng không, viễn thông...
Đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, thì đề xuất xây dựng Luật An ninh kinh tế.
Theo ông Vân, dự án luật này cần thiết bởi có 8 nguy cơ đe doạ an ninh kinh tế Việt Nam. Trước hết là nguy cơ chủ quyền quốc gia bị xâm phạm từ các hoạt động kinh tế đối ngoại. "Chúng ta thấy nhiều doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đã đưa ra sản phẩm có "đường lưỡi bò" phi pháp, hay là triển khai dự án bất động sản ven biển (khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng) như vừa qua", ông Vân dẫn chứng.
Nguy cơ tiếp theo là bất ổn về cân đối kinh tế vĩ mô, thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn và chính sách tài khoá; nguy cơ về tham nhũng, thao túng kinh tế thông qua dự án hợp tác...
Ngoài ra, theo ông Vân còn có các nguy cơ khác về an ninh môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp... "Dự án luật an ninh kinh tế sẽ là tổng hợp các giải pháp mang tính nguyên tắc để xử lý các vi phạm liên quan", ông Vân nói.
Bộ Quốc phòng vừa trả lời kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Theo đó, đến cuối năm 2019, 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành (trong số 44 tỉnh, thành có biên giới của Việt Nam); khu vực biên giới đất liền 24 doanh nghiệp, khu vực biên giới biển 125 doanh nghiệp.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển của thành phố này có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc.
Viết Tuân - Hoàng Thuỳ