Tờ trình do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ký ngày 8/7. Theo đó, Chính phủ mong muốn Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
11 nhóm chính sách được đề nghị sửa đổi, bổ sung gồm: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất...
Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về việc thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.
"Những nội dung này đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra", Chính phủ nêu.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Theo tổng kết của Chính phủ, sau hơn 7 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra...
Trước đó, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi Luật này.