Trung Quốc đang áp dụng cách tự vệ của riêng mình khi giả thuyết nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán được làm nóng trở lại. Chiến lược của Trung Quốc chính là thúc đẩy câu chuyện khác gây chú ý hơn, với tâm điểm là Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Fort Detrick.
Fort Detrick là một căn cứ của lục quân Mỹ đóng tại Frederick, bang Maryland. Tuy nhiên, đây từng là địa điểm diễn ra các dự án nghiên cứu vũ khí sinh học của Mỹ từ năm 1943 đến 1969. Sau khi chương trình vũ khí sinh học này bị đình chỉ, Fort Detrick hiện là trụ sở Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Lục quân Mỹ (USAMRIID), một cơ quan về phòng thủ sinh học.
Điều kỳ lạ là hầu hết người dân Mỹ đều chưa bao giờ nghe nói về Fort Detrick, dù nó chỉ nằm cách Washington khoảng một giờ lái xe. Trong khi đó, hàng triệu người dân Trung Quốc lại quá quen với cái tên này.
Trong mắt các nhà ngoại giao "Chiến lang" Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Lục quân Mỹ hiện lên như là nguồn cơn gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Qua những bài đăng trên mạng xã hội cũng như các cuộc họp báo, họ liên tục truyền đi thông điệp rằng Fort Detrick, cách Trung Quốc nửa vòng Trái Đất, cần được điều tra như là một nguồn rò rỉ virus.
"Hội chứng EVALI (tổn thương phổi liên quan đến hút thuốc lá điện tử) nổi lên ở Wisconsin hồi tháng 7/2019 với những triệu chứng gần như giống hệt Covid-19. Nơi bùng phát cách Fort Detrick khoảng một giờ lái xe", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/6 đăng trên Twitter.
Bà cùng hai đồng nghiệp khác tại Bộ Ngoại giao là phát ngôn viên Triệu Lập Kiên và Vương Văn Bân đã kêu gọi điều tra Fort Detrick tổng cộng 33 lần tại các cuộc họp báo chính thức, trong đó 27 lần được đưa ra từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng một.
Việc Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Fort Detrick được cho là nhằm phản bác giả thuyết đang lan truyền bên ngoài đất nước rằng nguyên nhân dẫn tới đại dịch có thể là do virus bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về virus corona ở loài dơi, cùng họ với mầm bệnh Covid-19.
Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận định cường độ phản pháo của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao nước này đã trở nên quyết liệt như thế nào trong những năm gần đây.
"Trước kia, Trung Quốc bị động hơn. Họ sẽ giữ một mức độ lấp lửng nhất định nhưng không phản ứng bằng cách tung ra những cáo buộc mà không đi kèm bất kỳ bằng chứng nào như vậy", ông nói.
Khi Covid-19 xuất hiện lần đầu tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hồi cuối năm 2019, phần lớn giả thiết được đặt ra là virus đã truyền từ động vật sang người, như cách đại dịch SARS lan truyền vào năm 2003.
Tuy nhiên giờ đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học và chính trị gia kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập, toàn diện hơn về nguồn gốc Covid-19, bao gồm cả nghi vấn virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Trung Quốc một mực cho rằng nếu vậy, phòng thí nghiệm Fort Detrick cũng nên bị điều tra.
Tháng 8/2019, phòng thí nghiệm an ninh bậc nhất BSL-4 của Fort Detrick bị Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đóng cửa vì vi phạm an toàn liên quan đến việc xả thải các nguyên liệu nguy hiểm. Nó được mở cửa trở lại vào tháng 4/2020, song quãng thời gian cơ sở này đóng cửa cũng đủ tạo nên một "dấu vết" gây hoài nghi ở Trung Quốc.
Dòng hashtag Fort Detrick bằng tiếng Trung Quốc có hơn 270 triệu lượt truy cập trên mạng xã hội Weibo, thường với chủ đề là Mỹ che giấu vũ khí sinh học và nghiên cứu các virus gây chết người tại đây.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc. Báo Global Times, People's Daily, China Daily đã đăng hơn 100 bài viết về Fort Detrick.
"Đây là hình thức đáp trả mới. Có thể họ tin rằng điều này sẽ thỏa mãn dư luận trong nước. Nó không phải thông tin đáng tin ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng ở bên trong Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ hài lòng với nó", giáo sư Cabestan nhận xét.
Lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập đến Fort Detrick là vào tháng 3/2020, không lâu sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump lúc bấy giờ tuyên bố nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Dù Trump đã thất cử, những mối quan tâm về giả thuyết ông nêu ra vẫn hiện hữu. Ngày 30/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp cùng Trung Quốc công bố báo cáo sau cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán, nhấn mạnh rằng khả năng nCoV rò rỉ từ phóng thí nghiệm Vũ Hán là "cực kỳ khó xảy ra". Thế nhưng, hoài nghi vẫn không thể bị xóa tan.
Một ngày sau khi WHO công bố báo cáo, 14 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Australia, Nhật, Hàn Quốc và Canada, ra một tuyên bố nhắc lại mối lo ngại của họ về việc các điều tra viên WHO không được tiếp cận với dữ liệu thô của phòng thí nghiệm Vũ Hán để phục vụ đánh giá, phân tích.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản bác bằng cách kéo Fort Detrick vào cuộc.
"Quân đội Mỹ đã tiến hành những hoạt động gì tại các phòng thí nghiệm của họ và tại căn cứ ở Fort Detrick?", ông đặt câu hỏi. "Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ thể hiện thái độ có trách nhiệm, nghiêm túc đáp lại những mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và đưa ra giải thích rõ ràng về các hoạt động quân sự sinh học của mình cả trong và ngoài nước".
Milton Leitenberg, nhà sinh học kiêm chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Maryland, nhận định Trung Quốc đã cố tình phớt lờ những nỗ lực minh bạch thông tin của của căn cứ Fort Detrick trong quá khứ.
Ông cho biết Mỹ đã chấm dứt chương trình vũ khí sinh học tại Fort Detrick vào năm 1969, sau đó mời các quan chức Liên Xô đến đây thị sát.
Năm 1991, Washington tiếp tục đồng ý cho một đội chuyên gia Liên Xô tới thăm bất kỳ cơ sở nào mà họ chọn ở Mỹ để kiểm tra mức độ tuân thủ của người Mỹ đối với Công ước Vũ khí Sinh học năm 1973 về phá hủy vũ khí sinh học tấn công.
Cũng vào thập niên 1990, một số nhà khoa học Trung Quốc đã có thời gian làm việc tại Fort Detrick, theo Leitenberg.
"Trái lại, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ cho phép bất kỳ chuyên gia, nhà khoa học phương Tây hay nhóm quốc tế nào đến thăm các cơ sở bị cáo buộc phát triển vũ khí sinh học quân sự của mình", ông nói thêm.
Hồi tháng 5, Tổng thống Biden tuyên bố ông đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ trong vòng 90 ngày thu thập các bằng chứng để Washington có thể đưa ra "kết luận chắc chắn" trả lời câu hỏi liệu đại dịch bắt nguồn từ việc con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm virus hay do virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Kết luận này, theo hạn chót mà Tổng thống Biden đặt ra, sẽ được đệ trình vào khoảng ngày 24/8, nhưng nó sẽ khó chấm dứt cuộc tranh cãi "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hôm 17/7, báo Global Times của Trung Quốc đăng cái mà họ gọi là thư ngỏ và kiến nghị kêu gọi WHO điều tra Fort Detrick. Bản kiến nghị đến nay đã nhận được hơn ba triệu chữ ký, theo tờ báo.
Global Times cũng chia sẻ kết quả một cuộc thăm dò, yêu cầu người tham gia chọn nơi mà họ nghĩ cuộc điều tra tiếp theo về nguồn gốc Covid-19 nên diễn ra, gồm Fort Detrick của Mỹ, Ấn Độ, Italy và "nước khác". 94,4% người tham gia khảo sát chọn phương án Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 19/7 một lần nữa đề cập đến cuộc khảo sát trên. "Các hành động tự phát này của người dân và truyền thông thực sự đặt ra những câu hỏi mà cộng đồng quốc tế chưa thể trả lời được trong suốt thời gian dài và một số người ở Mỹ luôn giữ bí mật", ông nói tại họp báo.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)