Một diễn viên hài thất nghiệp đến từ New Jersey. Một diễn viên và người dẫn chương trình podcast bảo thủ trong chiếc áo choàng màu trắng. Một người từng tranh cử thất bại vào quốc hội vài lần ở Los Angeles. Và một vài người từng có mặt trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol. Họ là những thành viên trong đội quân bài vaccine của California, mới đây tụ tập ở lối vào địa điểm tiêm chủng tại sân vận động Dodger để phản đối tiêm vaccine Covid-19.
Nhiều tháng qua, các nhà hoạt động cực hữu trên khắp nước Mỹ đã biểu tình phản đối quy định đeo khẩu trang, đóng cửa kinh doanh, lệnh giới nghiêm và cả quan chức y tế cộng đồng địa phương, khi cho rằng cách chống dịch của chính quyền xâm phạm tự do cá nhân. Nhưng khi khẩu trang và phong tỏa ngày càng trở thành một phần cuộc sống thường ngày của người Mỹ, những người biểu tình đã chuyển trọng tâm làn sóng phẫn nộ chống chính phủ sang vaccine Covid-19.
California, nơi ghi nhận trung bình 500 ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19 trong tuần qua và dự báo sớm trở thành bang có số người chết vì đại dịch nhiều nhất, đã trở thành "căn cứ địa" của làn sóng này.
Tuần trước tại sân vận động Dodger ở Los Angeles, nhóm biểu tình nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng đã phá phách một địa điểm tiêm chủng, nơi đang cung cấp trung bình hơn 6.000 mũi tiêm mỗi ngày. Khoảng 50 người biểu tình, mang theo các biển hiệu như "đừng trở thành chuột thí nghiệm" hay "Covid = Lừa đảo", tập trung kín lối vào và khiến Sở Cứu hỏa Los Angeles phải đóng cửa địa điểm tiêm chủng này sau khoảng một giờ.
Cuộc phá rối này cho thấy tình trạng đối đầu ngày càng gay gắt của nhóm phản đối vaccine, những người từ lâu xem luật tiêm phòng bắt buộc ở trường học là sự can thiệp thái quá của chính phủ. Nhiều người từ lâu hoài nghi về vaccine khi tin rằng nó gây ra chứng tự kỷ như nhiều trang tin sai lệch đăng tải, bất chấp thông tin này đã bị bác bỏ từ lâu.
Tại California, phong trào bài vaccine đã nổi tiếng từ nhiều thập kỷ nay, khi được nhiều gia đình giàu có và người nổi tiếng Hollywood hậu thuẫn. Làn sóng phản đối lên tới đỉnh điểm khi các nhà lập pháp bang thông qua một trong những luật tiêm chủng bắt buộc nghiêm ngặt nhất đối với trẻ em vào năm 2015. Trước đó, các gia đình có thể chọn từ chối tiêm vaccine với lý do nó đi ngược lại niềm tin cá nhân của họ, nhưng điều luật mới đã xóa bỏ lựa chọn đó.
"Thái độ bài vaccine đã tồn tại lâu như chính vaccine", Richard M. Carpiano, giáo sư về xã hội học và chính sách công tại Đại học California, nói.
Các nhà hoạt động chống vaccine ở California từ lâu đã nổi tiếng quá khích. Nhưng trong hai năm qua và đặc biệt kể từ khi Covid-19 xuất hiện, họ ngày càng có nhiều động thái đối đầu gay gắt hơn.
Họ hành hung một nhà lập pháp ở Sacramento và ném chất thải vào các nghị sĩ ở tòa nghị viện bang hồi năm 2019. Mùa xuân năm ngoái, họ gây sức ép khiến giám đốc y tế hạt Orange phải từ chức, bằng cách dọa tiết lộ địa chỉ nhà riêng của người này. Tháng trước, hai tuần trước cuộc biểu tình ở sân vận động Dodger, một nhóm phụ nữ đã đe dọa các nhà lập pháp tham gia phiên điều trần về ngân sách tại tòa nghị viện bang, khi nói rằng họ "không mua súng để ngắm".
"Tôi nghĩ điều đáng lo ngại nhất là làn sóng này đang leo thang", Richard Pan, bác sĩ nhi khoa và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang, nói. Pan từng bị một người chống vaccine đánh vào lưng năm 2019 và có thể chính là mục tiêu của vụ ném chất thải ở nghị viện bang năm đó.
"Phong trào này không chỉ đưa ra thông tin sai lệch hay lời nói dối về vaccine, mà còn hung hăng đe dọa, uy hiếp những người cố gắng chia sẻ thông tin đúng đắn", ông nói thêm.
Jason Lefkowitz, 42 tuổi, diễn viên hài và là một trong số lãnh đạo của phong trào bài vaccine ở California, cho biết chất xúc tác của cuộc biểu tình ở sân vận động Dodger là cái chết của Hank Aaron, huyền thoại bóng chày 86 tuổi. Aaron được tiêm vaccine Covid-19 tại Atlanta hôm 5/1 và qua đời hôm 22/1.
Những người chống vaccine, gồm Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cựu tổng thống John F. Kennedy, đã lập tức xem cái chết của Aaron có liên quan tới vaccine Covid-19.
"Tôi không phải người ưa bạo lực. Không có ai trong nhóm của tôi thích bạo lực hay bất kỳ điều gì, nhưng có nhiều người không muốn tiêm loại vaccine này hoặc bị ép buộc tiêm", Lefkowitz nói.
Nhóm biểu tình dự định quay trở lại sân vận động Dodger và cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh hơn là thấy nản lòng vì những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Lefkowitz nói rằng việc sở cứu hỏa đóng cổng địa điểm tiêm chủng là dấu hiệu tích cực cho nhóm của ông.
"Họ đang gián tiếp giúp đỡ chúng tôi bởi giờ tôi cảm thấy rất thích thú theo kiểu 'Ồ, điều này sẽ được đưa tin'", Lefkowitz nói.
Động lực khiến nhiều người biểu tình chuyển từ phản đối khẩu trang sang phản đối vaccine đã được thể hiện rõ trong buổi phát trực tiếp trên Facebook của Omar Navarro, người thuộc phe Cộng hòa thường xuyên thách thức nghị sĩ Maxine Waters của đảng Dân chủ ở California. Ông đã nói với người xem trên Facebook rằng "chắc chắn 100%" Tổng thống Joe Biden đã chiến thắng nhờ gian lận bầu cử, đồng thời gọi các thành viên Dân chủ là "virus thực sự".
"Họ muốn đánh lừa chúng ta", Navarro nói. "Họ muốn kiểm soát chúng ta. Họ muốn đặt chiếc bịt mõm này lên mặt chúng ta. Tôi không bao giờ sử dụng chiếc khẩu trang này".
Giới quan sát cho rằng việc thiếu những biện pháp trừng phạt mạnh tay với các ngôn ngữ, hành động ngông cuồng của nhóm bài vaccine đã khiến tình hình thêm tệ hơn. Thượng nghị sĩ Pan cũng cho rằng nhóm biểu tình ở sân vận động Dodger thấy phấn khích hơn khi họ không bị bắt sau cuộc phá rối địa điểm tiêm chủng.
"Tình trạng mọi người bắt nạt và đe dọa người khác nhưng phải chịu rất ít hậu quả đã tồn tại từ lâu. Và điều này khiến họ ngày càng ngông cuồng, kích động hơn", ông nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)