Trong bài, tôi kể về một người hàng xóm ở Pháp đã phải tháo chiếc camera gắn trước cửa vì nó quay trọn lối vào nhà tôi. Hải - bạn tôi - tỏ vẻ ngạc nhiên vì cho rằng, có camera, nhà tôi tự nhiên được giám sát an ninh miễn phí, chẳng phải là tốt hơn sao. Cậu cũng nói, ở Pháp thôi, chứ ở Việt Nam bây giờ, gỡ sao cho xuể.
Sau khi bài đăng trên mục Góc nhìn, Hải vẫn quả quyết sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến vấn đề rủi ro dữ liệu cá nhân. An ninh mới là chuyện quan trọng. Nhưng hai hôm trước, Hải chủ động gửi cho tôi thông tin về hàng nghìn video nhạy cảm từ phòng ngủ bị hacker rao bán. Các nhóm hacker đã xâm nhập trái phép, đánh cắp hình ảnh riêng tư từ camera của các hộ gia đình (đặc biệt là từ phòng ngủ và phòng vệ sinh), sau đó "đóng gói" và rao bán.
Nhà Hải chỉ lắp camera phòng khách, nhưng "em phải off đi rồi anh ạ". Hải nói, bao giờ tìm hiểu rõ và nắm chắc các vấn đề bảo mật dữ liệu, cậu mới dám mở lại.
Luật pháp có những quy định điều chỉnh sự bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như nghiêm cấm phát tán hình ảnh không lành mạnh. Tuy nhiên, truy tìm ra nhóm tội phạm đã chiếm đoạt và phát tán dữ liệu này không hề đơn giản; và có tìm được thì sự cũng đã rồi, bao nhiêu hình ảnh "bỏng mắt" đã bị lan truyền.
Câu chuyện bảo mật dữ liệu từ camera an ninh xoay quanh ba thành tố trực tiếp tham gia vào mối quan hệ này: khách hàng, nhà cung cấp và nhà nước. Trong đó, nhà cung cấp chỉ thay đổi, điều chỉnh chính sách khi khách hàng và nhà nước có những tác động trực tiếp đến họ.
Khách hàng, là những người chủ động trước tiên trong câu chuyện camera giám sát, giữ vai trò quyết định tới bốn yếu tố sau. Thứ nhất, họ là người quyết định chọn camera quan sát trực tuyến hay chỉ để lưu trữ. Nếu chỉ cần kiểm tra lại hiện trường khi có sự cố, camera và cả máy tính chứa ổ cứng dữ liệu không cần thiết phải kết nối Internet, giúp hạn chế bớt rủi ro. Thứ hai, vị trí lắp đặt camera cũng do gia chủ quyết định. Nếu không vì lý do đặc biệt chính đáng, khi đặt camera trong phòng ngủ hay phòng vệ sinh, gia chủ có thật sự muốn ghi lại hình ảnh "khó coi" của chính mình? Ai có khả năng tránh được hoàn toàn giây phút "người khác không nên thấy"? Tôi từng phản đối việc phụ huynh theo dõi trực tiếp hình ảnh con mình ở các lớp mầm non. Giáo viên mầm non hay bảo mẫu phải dành rất nhiều thời gian chăm sóc trẻ nhỏ với đầy đủ các tư thế như những bà mẹ bỉm sữa. Và dĩ nhiên, không bà mẹ bỉm sửa nào mong muốn người khác trông thấy mình trong bộ dạng ấy.
Thứ ba, khách hàng là người lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, xét trên khía cạnh cả phần cứng lẫn phần mềm và nhân sự. Những sản phẩm có thương hiệu an toàn cùng đơn vị cung cấp uy tín là bước đầu trong quá trình tìm hiểu dịch vụ mà chúng ta cần mua sắm. Cuối cùng, chủ nhà là người có trách nhiệm quản lý tài sản của mình, cụ thể là các tài khoản. Sau quá trình lắp đặt và vận hành thử, khách hàng cần được chuyển giao toàn bộ tài khoản quản lý hình ảnh lưu giữ của chính mình. Các tài khoản này cần được thiết lập các hàng rào bảo vệ theo cách riêng của chủ nhà. Sự hiện đại tiện lợi phải đi kèm với khả năng làm chủ cuộc chơi của chính mình. Các thống kê cho thấy, đa số việc lộ dữ liệu camera đều do người dùng đặt mật khẩu đơn giản, dễ đoán hoặc "phó mặc" cho thợ lắp đặt.
Tuy nhiên, việc thị trường bị lấn át bởi đủ loại sản phẩm camera có kết nối internet giá rẻ lại liên quan trách nhiệm quản lý của nhà nước. Vai trò của nhà nước thể hiện qua việc ban hành quy định và giám sát thực thi. Tháng 12/2022, Chính phủ ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát. Theo đó, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát được ban hành dự kiến tháng 11/2023. Tuy nhiên, đến nay, bộ tiêu chuẩn này vẫn chưa được chính thức ban hành và áp dụng phổ biến. Kế đến, khi bộ tiêu chuẩn được ban hành, Nhà nước - với đại diện là các cơ quan quản lý thị trường - cần bảo đảm sản phẩm được lưu thông phải đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra. Thực tế, trong rất nhiều lĩnh vực mà sản phẩm buộc phải đáp ứng quy định tiêu chuẩn của nhà nước, người ta vẫn có thể tìm thấy dễ dàng rất nhiều hàng hóa không đủ chuẩn trên thị trường.
Câu chuyện vì thế tạm thời quay trở về với thành tố gốc: người sử dụng.
Sự hiện đại của kỹ thuật giúp ích cho cuộc sống hàng ngày, đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cũng giống như với lửa - một trong những khám phá vĩ đại nhất của nhân loại - con người cần học cách chế ngự và sử dụng nó an toàn theo ý muốn của mình. Tương tự, camera giám sát có thể trở thành ngọn lửa gây "bỏng mắt".
Võ Nhật Vinh