"Nhóm chuyên video hack từ camera siêu kín của các gia đình, cửa hàng ở Việt Nam. Tất cả đều là những khóc khuất, những cảnh nóng bỏng của các gia đình", lướt mạng xã hội Telegram, anh Minh Hùng nhận được lời mời chào từ một tài khoản lạ. Tò mò truy cập vào xem, Hùng nhận được giới thiệu chi tiết hơn.
Hacker đưa ra ba gói để Hùng lựa chọn. Một là gói mini, người dùng đóng 150.000 đồng để được thêm vào nhóm trải nghiệm với hơn 1.000 video, hình ảnh ngẫu nhiên, chất lượng kém, cắt cúp không hoàn chỉnh. Gói thứ 2 có giá 500.000 đồng, theo quảng cáo khách hàng được xem toàn bộ video hack từ camera, cập nhật hàng ngày, hình ảnh chất lượng cao.
Gói thứ 3 hacker đưa ra được gọi là "siêu VIP". Hùng được mời chào đóng 800.000 đồng để hưởng các đặc quyền như: xem toàn bộ video nhạy cảm hack từ camera trong bốn năm gần đây, thảo thuận về camera gia đình và đặc biệt là được cấp tài khoản ID để xem phát trực tiếp từ hàng trăm camera.
"Phần mềm bên mình quét liên tục ở các địa phương trên toàn quốc. Đa số góc camera sẽ ở các phòng như ngủ, tắm, thay đồ, nhà vệ sinh, khách sạn, cửa hàng quần áo, quán massage, spa,...", người quản lý nhóm quảng cáo với Hùng.
Nếu chọn gói 1 và 2, Hùng chỉ cần vào nhóm là xem video. Song nếu vào nhóm siêu VIP, anh cần tải ứng dụng của một hãng camera nổi tiếng, sau đó quét QR code để xem trực tiếp video từ camera đang ghi hình.
Nghi ngờ quảng cáo trên là lừa đảo, Hùng chấp nhận bỏ ra 800.000 đồng để thử nghiệm. "Cặp đôi này ở đâu vậy?", vừa vào nhóm đã thấy hàng trăm bình luận kiểu tục tĩu như vậy xoay quanh các video nhạy cảm của các gia đình.
Tiếp đến, dùng ứng dụng của một hãng camera, Hùng quét mã QR code chủ nhóm cung cấp, kết quả hiện ra 15 camera phòng ngủ, phòng khách, phòng thay đồ của cửa hàng quần áo, cửa hàng spa... Bấm camera phòng ngủ của một gia đình, Hùng thấy ngày, giờ trùng khớp với thời gian thực tế. Chỉ có hạn chế là không biết đia chỉ này ở đâu.
Bất giác nhìn lại nhà mình, Hùng vội gọi kỹ thuật viên hướng dẫn cách làm tăng độ bảo mật của bốn camera đang lắp ở khắp các góc quanh nhà. Nhưng Hùng vẫn không tìm ra giải pháp nào tốt hơn giữa lo ngại dữ liệu bị lộ lọt với việc cần có camera giám sát bởi nhà có người giúp việc trông con nhỏ.
Không giống Hùng, anh Minh luôn phản đối các gia đình về việc lắp camera ở mọi ngóc ngách trong nhà. Theo anh, camera có tác dụng giám sát, phát hiện người lạ và "dọa" trộm nên chỉ lắp ở ngoài cửa hoặc sâu nhất là phòng khách, cầu thang.
Cẩn thận đến mức, có lần hàng xóm lắp camera chĩa sang cửa nhà anh, Minh đã đề nghị quay sang hướng khác. Anh lo ngại nếu camera hàng xóm bị hack, kẻ xấu sẽ không khác gì "người trong nhà" khi biết mọi lịch trình, hoạt động, thói quen sinh hoạt của gia đình anh.
Một cán bộ an ninh mạng cho biết, đa số việc lộ dữ liệu camera đều do người dùng đặt mật khẩu đơn giản, dễ đoán hoặc "phó mặc" cho thợ lắp đặt. Một số trường hợp khác do lỗ hổng của chính camera như hệ thống kết nối giữa camera và dịch vụ lưu trữ hoặc lỗi trên ứng dụng camera.
Việc camera bị hack cũng khá khó để nhận biết, thế nhưng người dùng cần lưu ý các dấu hiệu để phát hiện như tiếng ồn lạ phát ra từ camera, camera tự nhiên chuyển động dù người có quyền kiểm soát không điều khiển, liên tục bị thoát khỏi ứng dụng theo dõi camera trên điện thoại...
Để đảm bảo an toàn cho camera, chuyên gia khuyên người dùng nên thường xuyên đổi mật khẩu thiết bị ở cấp độ khó, kiểm tra bản cập nhật mới nhất, hạn chế cho nhiều người cùng truy cập vào hệ thống. Đặc biệt, người dùng cần tránh mua các loại camera "rẻ tiền" không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở trên mạng. Khi nghi ngờ camera bị hack, bạn cần khởi động ngay lại hệ thống và đổi mật khẩu.
Luật sư Trần Ngọc Thạch, Công ty Luật Navico, cho biết hành vi hack camera để thu thập video nhạy cảm rồi bán cho người khác khi không được chủ nhân video đồng ý là vi phạm pháp luật. Theo khoản 30 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, hành vi rao bán dữ liệu camera bị phạt tiền 40-60 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục là buộc hủy bỏ các thông tin trái phép.
Người rao bán dữ liệu camera còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo điều 289 Bộ Luật hình sự; khung hình phạt từ phạt tiền 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù 1-12 năm.
Với chủ nhân các video bị hack đã bị làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, nhân phẩm và danh dự nên có quyền yêu cầu người rao bán camera phải hủy bỏ dữ liệu, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Quy định pháp luật đã có, nhưng luật sư Thạch thấy rằng khó để xử lý bởi việc xác minh thông tin của nghi phạm là không dễ. Hơn nữa, việc xử lý hình sự cũng gặp nhiều khó khăn khi cần các kết luận giám định tư pháp về văn hóa. Bởi thế, luật sư khuyên người dân nên tự biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và khi gặp sự cố cần trình báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn giải quyết.