Gian lận bị phát giác khi cảnh sát giao thông Thâm Quyến xem lại băng ghi hình từ các camera trong khu vực đường chạy, và thông báo cho ban tổ chức.
Theo đó, đã có 237 người chạy băng qua hàng cây rậm rạp của dải phân cách, để đi tắt sang làn đường ngược chiều, thay vì chạy tiếp một quãng để tới điểm quay đầu. Bằng cách này, những người gian lận đã chạy ít hơn từ hai đến ba kilomet, thay vì chạy đủ 21,7 km - cự ly tiêu chuẩn của nội dung chạy bán marathon.
Những người chạy ăn gian bằng cách băng qua hàng cây rậm ở giải phân cách. |
Camera giao thông cũng làm lộ tẩy 18 VĐV chạy bằng bib (thiết bị có gắn chip điện tử ghi lại thành tích, dán phía sau bảng số thứ tự mà mỗi người chạy phải đeo) giả. Ban tổ chức cũng phát hiện ra ba kẻ lừa đảo, trà trộn vào đường chạy. Những người vi phạm này đều đối mặt với án phạt cấm tham gia các giải chạy tiếp theo.
"Chúng tôi lấy làm tiếc khi xảy ra nhiều vi phạm tại giải năm nay", Tân Hoa Xã hôm 29/11 dẫn lời một đại diện ban tổ chức giải. "Chạy marathon không đơn thuần là tập thể dục, đó còn là một cách sống. Trên đường chạy, mỗi VĐV phải chịu trách nhiệm và trung thực với bản thân".
Thâm Quyến Bán Marathon là giải chạy thường niên, nổi tiếng ở Trung Quốc. Giải năm nay, diễn ra hôm Chủ nhật 25/11 vừa qua, quy tụ khoảng 16.000 người chạy, cả nghiệp dư, bán chuyên lẫn chuyên nghiệp.
Hành vi gian lận ở giải chạy trên, vì thế, bị dư luận Trung Quốc lên án mạnh mẽ. Tờ Nhân dân Nhật báo - một trong những cơ quan ngôn luận lớn nhất nước này - cũng vào cuộc, kêu gọi người chạy "tôn trọng marathon và tinh thần thể thao cao thượng", trong một bài xã luận.
Song song với phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh mẽ, tình trạng gian lận, chạy lấy thành tích đang có dấu hiệu nở rộ ở Trung Quốc. Năm ngoái, các nhà tổ chức giải Bắc Kinh Bán Marathon thậm chí phải sử dụng thiết bị nhận dạng khuôn mặt, để ngăn chặn việc nhiều người đăng ký dự giải nhưng lại nhờ các VĐV có thành tích cao "đóng thế" trên đường chạy.
Theo Liên đoàn Điền kinh Trung Quốc, chỉ tính từ đầu năm 2018, đã có 1.072 giải chạy bộ diễn ra ở nước này. Con số này ghi nhận mức tăng trưởng khủng khiếp so với chỉ 22 giải chạy trong cả năm 2011.
Trên Weibo - mạng xã hội được ví như Twitter của Trung Quốc, nhiều ý kiến bày tỏ sự chán ngán trước thực trạng gian lận tràn lan ở các giải chạy. "Ngày nay, có quá nhiều giải marathon ở Trung Quốc và quá nhiều kẻ được gọi người chạy bộ, nhưng số người thật sự yêu thích chạy bộ thì vẫn rất ít", một người dùng viết.
Nhật Tảo