Luật phong sát ở Trung Quốc được phát hành năm 2020 trên toàn bộ nền điện ảnh giới Trung Hoa, đến nay đã mang về những giá trị tích cực cho nền điện ảnh cũng như giới giải trí của nước này. Luật phong sát cũng chỉ đơn giản bao gồm phạt hành chính và hình sự, nhưng một khi đã bị xử phạt thì coi như người nghệ sĩ đó sẽ không còn cơ hội xuất hiện ở bất cứ một chương trình, sự kiện truyền thông nào nữa, từ các sự kiện, lễ hội cũng như các chương trình nghệ thuật và quảng cáo.
Khi thấy đời tư của những người làm nghệ thuật có một chút rắc rối hoặc bị cộng đồng vạch trần những góc khuất, người đó sẽ bị đưa vào diện giám sát. Khi cơ quan chức năng điều tra ra sự thật và kết luận những sai phạm của nghệ sĩ đó, luật phong sát sẽ được thực thi. Thậm chí, người hâm mộ sẵn sàng tẩy chay nghệ sĩ ngay khi phát hiện ra idol của mình bị phạm luật.
Nếu ở mức độ nặng hơn, gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng thì nghệ sĩ sẽ bị phong sát vĩnh viễn và không có cơ hội để tẩy trắng bất cứ một hành động nào của mình. Nếu họ cố len lỏi vào các bữa tiệc, chương trình nghệ thuật, quảng cáo có sự xuất hiện của ống kính truyền thông, thì bản thân các sự kiện, chương trình đó cũng sẽ bị xử lý.
Đó là luật phong sát ở Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, câu chuyện nghệ sĩ lệch chuẩn từ lâu đã gây nhức nhối, nhưng chúng ta vẫn chưa có hình thức xử lý một cách triệt để. Ở ta, nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống cùng lắm chỉ bị xử phát hành chính với các mức phạt khác nhau, rồi lại tiếp tục hoạt động nghệ thuật như bình thường.
>> 'Dễ dãi với nghệ sĩ lệch chuẩn'
Thực tế, có nhiều người bỗng nhiên nổi tiếng từ việc bán hàng livestream. Để lấn sân vào showbiz, họ cố tình tạo một "cú phốt" để biến mình trở thành con mồi của truyền thông. Bằng những chiêu trò tự tạo scandal như vậy, nhiều cá nhân đã thành công trong việc gây chú ý, đánh bóng tên tuổi của bản thân và nghiễm nhiên trở thành một người hoạt động nghệ thuật.
Để rồi sau tất cả những thị phi, ồn áo đó, những nghệ sĩ lệch chuẩn lại dễ dàng tẩy trắng. Ở chiều ngược lại, khán giả cũng dễ dàng bỏ qua và chấp nhận lại nghệ sĩ. Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi với hoạt động nghệ thuật? Vậy nên mới có những biến tướng theo kiểu "nghệ sĩ giang hồ".
Gần đây nhất, cộng đồng lại xôn xao trước việc một nam ca sĩ trẻ bị cho là quảng cáo trá hình cho một website cá độ trực tuyến bằng việc mặc áo đấu của một CLB với logo nhà tài trợ là trang web cá cược bóng đá trên ngực. Tuy nhiên, vì thiếu chế tài xử lý nên cơ quan quản lý vẫn chưa thể xử phạt hành động này một cách nghiêm khắc.
Có lẽ, đã đến lúc các nhà quản lý nghệ thuật cũng như khán giả Việt cần nghiêm túc xem lại luật định, chế tài để quản lý nghệ sĩ trong nước. Chúng ta cần mạnh tay xử lý, thải loại những nghệ sĩ lệch chuẩn đạo đức, vi phạm pháp luật, để làm trong sạch môi trường nghệ thuật nước nhà.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.