Chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến Nga hứng chịu loạt lệnh trừng phạt và sức ép cô lập chưa từng có của phương Tây. Nhưng sau gần một năm, nền kinh tế Nga không sụp đổ như dự báo của một số quan chức châu Âu và chiến dịch quân sự cũng không có dấu hiệu dừng lại.
Trên thực tế, Nga dường như mới chỉ bắt đầu. Dù kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" trong giai đoạn đầu chiến sự đã phá sản và Nga hứng chịu loạt bước lùi trên chiến trường trong năm qua, nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn thứ hai trong mùa hè.
"Cuộc chiến này được quyết định bởi tầm nhìn của Tổng thống Putin", nhà phân tích kiêm bình luận viên chính trị Nga Konstantin Eggert nhận định. "Ông ấy không có lý do để dừng lại".
Từ tháng 1/2022 đến tháng 11/2022, doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga đã tăng 30%, lên 239 tỷ USD. Nguồn thu từ năng lượng trong năm 2023 được cho là sẽ giảm đáng kể do các lệnh hạn chế, áp trần giá dầu của phương Tây, nhưng Nga vẫn có những khách hàng trung thành.
"Khi Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn tiếp tục mua dầu Nga, Moskva vẫn sẽ còn nguồn thu", Eggert bình luận. "Nguồn thu ấy sẽ được sử dụng để nuôi quân và cung cấp cho quân đội bất kỳ loại vũ khí nào cần thiết".
Sau khi chiến sự Ukraine bùng phát, Ấn Độ trở thành nước mua dầu lớn thứ hai của Nga, sau Trung Quốc. Nga đã bán hơn 935.000 thùng dầu thô cho Ấn Độ mỗi ngày trong tháng 10/2022, mức cao chưa từng thấy. Hồi tháng 12/2021, lượng dầu Ấn Độ nhập từ Nga là 36.255 thùng mỗi ngày.
Năm ngoái, GDP Nga không giảm ở mức 2 chữ số như dự báo, mà chỉ mất khoảng 2,5%. Hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) gần như biến mất ở Nga, nhưng giao thương giữa Nga với Trung Quốc tăng mạnh. Dữ liệu hải quan Bắc Kinh cho thấy thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt kỷ lục 190 tỷ USD năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng trước dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, thay vì ước tính giảm 2,3% như trước đây.
Khả năng phục hồi kinh tế của Nga cũng bảo vệ phần lớn người dân nước này khỏi tác động tiêu cực từ cuộc chiến.
Dmitry, người mang hai quốc tịch Nga - Australia và đã sống 9 tháng ở Nga sau khi xung đột nổ ra, cho biết thay đổi đáng chú ý nhất là việc người dân nước này không còn tiếp cận được với những chiếc ôtô giá rẻ sản xuất trong nước.
"Từ góc nhìn của người Nga, không có gì thay đổi nhiều", anh chia sẻ.
Dmitry cho hay người Nga vẫn có thể đi du lịch nước ngoài, nhưng thêm rằng điểm đến của họ hiện nay chủ yếu là ở Trung Đông hoặc Đông Nam Á. "Chúng tôi không thể dễ dàng bay tới châu Âu nữa", anh nói.
Công dân Nga hiện nay muốn xin thị thực châu Âu sẽ rất tốn kém và các chuyến bay giảm mạnh từ khi xung đột nổ ra khiến giá vé tăng vọt. "Với những người bình thường, cánh cửa đến châu Âu đã đóng lại", Dmitry cho biết thêm.
Dmitry điều hành một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thực phẩm vào Nga. Anh tiết lộ rằng những nhà môi giới mà anh hợp tác ở các nước khác đã tỏ ra rất vui khi có thể tiếp tục giao dịch với Nga. Một số đối tác thậm chí đề nghị hỗ trợ Dmitry lách lệnh trừng phạt với một số mặt hàng nhập khẩu vào Nga để giao dịch thuận lợi hơn.
Theo quan điểm của Dmitry, cuộc xung đột về mặt nào đó còn tốt cho kinh tế Nga. Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy chi tiêu quốc phòng trong năm nay tăng khoảng 30% so với năm 2021, lên khoảng 78 tỷ USD. Con số này năm sau dự kiến tăng lên 82,5 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu về vũ khí, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã nỗ lực tăng sản xuất. Ông Putin cũng đã thành lập hội đồng đặc biệt để yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất thiết bị cho quân đội. Các doanh nghiệp khăn giấy và đồ nội thất giờ phải tham gia sản xuất cả mũ trùm đầu, ủng và bộ dụng cụ sơ cứu cho binh sĩ.
"Không ít doanh nghiệp đang hưởng lợi từ nó", anh nói. "Nhiều nhà máy bắt đầu làm việc 24/7 theo đúng nghĩa đen, tạo ra rất nhiều việc làm".
Theo Dmitry, kinh tế Nga không phải khía cạnh duy nhất bị hiểu nhầm ở phương Tây. Anh không cho rằng chính phủ Nga gặp bất kỳ khó khăn nào trong nỗ lực kêu gọi công dân nhập ngũ để đến chiến đấu ở Ukraine.
"Họ trả rất nhiều tiền cho những người tòng quân", anh nói. "Những người tình nguyện nhập ngũ sẽ nhận khoảng 300.000 ruble (5.850 USD) một tháng, chưa kể phụ cấp, đó là khoản tiền lớn với người Nga".
Moscow Times dẫn thông báo từ chính quyền địa phương và dữ liệu tài chính của chính phủ Nga cho biết mức lương 300.000 ruble được đưa ra tại một đơn vị tuyển quân ở Chechnya. Tại Tula, thành phố nhỏ cách Moskva khoảng 200 km về phía nam, những người ký hợp đồng phục vụ quân đội trong 3 tháng được nhận lương khởi điểm 170.000 ruble, gấp 4 lần lương bình quân trong khu vực.
Konstantin Eggert đồng ý rằng hiện tại, nhân lực không phải vấn đề lớn đối với quân đội Nga. Nhà phân tích này cho hay quân đội Nga chú trọng tuyển quân ở các vùng nông thôn, không phải tại các thành phố lớn, nhằm tránh gây nhiều xáo trộn cho đời sống xã hội.
"Việc tuyển quân diễn ra ở những địa phương nhỏ, những thành phố có 200.000-300.000 dân", ông nói. Vì thế, Tổng thống Putin hoàn toàn có đủ nhân lực và vật lực để duy trì chiến dịch quân sự trong thời gian dài.
Trong đợt động viên quân một phần hồi tháng 9 năm ngoái, quân đội Nga cho hay đã huy động được 318.000 quân, vượt chỉ tiêu 18.000 người, do có nhiều tình nguyện viên xin nhập ngũ.
Mặt khác, việc giới chức Nga siết chặt kiểm soát an ninh cũng góp phần khiến xã hội bình ổn hơn.
"Phần lớn xã hội Nga cơ bản đều tuân thủ chính quyền", Eggert cho hay. "Chúng tôi đã tự tạo cho mình một vùng thoải mái kỳ lạ, nơi chúng tôi để các quan chức quyết định các vấn đề lớn. Và về cơ bản, chúng tôi chỉ xem TV".
Khoảng một triệu người Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi xung đột nổ ra. Theo ông, những người Nga di tản ở khắp nơi trên thế giới đã chia sẻ các thông điệp tiêu cực về cuộc xung đột, nhưng nếu chúng không đến từ bên trong nước Nga, Tổng thống Putin "hoàn toàn không quan tâm".
Trong số người chọn con đường ra đi có Elena và Evgeny, những người cho rằng chiến dịch quân sự ở Ukraine là "điểm tới hạn". "Tôi chỉ cảm thấy đã đến lúc phải rời đi rồi", Elena nói.
Theo hai người, hầu hết bạn bè của họ ở Moskva đều phản đối cuộc chiến, nhưng khi xung đột kéo dài, họ nhận ra rằng mình chỉ là thiểu số.
Sau khi ra nước ngoài, Elena và Evgeny đang dần ổn định cuộc sống mới tại Pháp và chưa có kế hoạch trở lại Nga trong nhiều năm nữa.
"Nhưng chúng tôi không loại bỏ bất kỳ khả năng nào", Elena nói. "Tôi yêu nước Nga, tôi rất nhớ quê nhà. Tôi không chắc các con tôi có muốn trở về không".
Tại Sydney, Anna Kharzeeva hiểu những cảm xúc trái ngược đó. Ngay sau khi xung đột nổ ra, cô và người chồng quốc tịch Australia của mình quyết định rời Nga.
"Quyết định đó thực sự khó khăn", cô chia sẻ. "Khi mới đến Sydney, chúng tôi phải đối mặt với thực tế. Chúng tôi không có chỗ ở, không có công ăn việc làm. Con cái chúng tôi không được chăm sóc tử tế".
Kharzeeva sau đó tìm được việc làm tại một tổ chức cộng đồng và đang cố gắng phát triển sự nghiệp của mình với tư cách một nhà báo chuyên về ẩm thực và văn hóa. Cô đã giúp điều hành các buổi gây quỹ cho Ukraine và quyên góp được hàng nghìn USD. Với hỗ trợ từ gia đình chồng, họ đã tìm được một căn hộ.
Con trai nhỏ họ đã bắt đầu đi học và không ít người nói với Kharzeeva rằng cô thật may mắn khi được ở Australia. Nhưng sau gần một năm xây dựng cuộc sống mới ở Sydney, cô vẫn nhớ Moskva da diết.
"Tôi xem những câu chuyện trên Instagram về mọi thứ ở Moskva, từ việc họ làm gì giữa trời mưa tuyết hay đến viện bảo tàng", Kharzeeva cho biết. "Tôi muốn ở trên con phố đó, muốn ở trong quán cà phê đó, tôi muốn ở trong bảo tàng đó".
"Nhưng đồng thời tôi hiểu rõ rằng với tôi, trở về nước lúc này sẽ rất khó. Có một cuộc chiến mà chúng ta phải chịu trách nhiệm", cô nói.
Vũ Hoàng (Theo ABC News)