Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục cũng yêu cầu ngành y tế các địa phương hướng dẫn người dân phân biệt giữa sam biển và so biển. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế ở các khu vực có ngư dân biết cách chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc do độc tố so biển.
"Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, yêu cầu ngư dân loại bỏ ngay con so khi đánh bắt hải sản", ông Phong nói.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay cả nước có 15 trường hợp nhập viện do ngộ độc so biển, trong đó 4 người đã tử vong. Những người này cố tình ăn hoặc nhầm so biển với sam biển.
Họ sam (Xiphosuridae) có 4 loài. Ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda). Đây là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. So biển có hình dáng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn. Trong so biển có độc tố Tetrodotoxin - một độc tố thần kinh mạnh - có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều rất thấp.
Ngộ độc so biển xảy ra khoảng 30 phút đến một giờ sau khi ăn với các triệu chứng tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ...
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi nạn nhân ngộ độc so biển còn tỉnh táo, cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu. Nạn nhân ngộ độc nặng hơn thì chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy nếu suy hô hấp, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận tùy theo biểu hiện của bệnh.
Trí Tín