Quãng thời gian sau dịch Covid-19, tôi thấy nhiều người có nhu cầu tìm việc làm. Trên các hội nhóm tuyển dụng, có những người đăng thông tin tìm việc phải "đánh chặn" trước: "Em muốn tìm việc, việc gì cũng làm nhưng trừ sale bất động sản".
Môi giới bất động sản lẽ ra là một nghề có nhiều mối quan hệ xã hội, có mức thu nhập hấp dẫn, nhưng tại sao một số người né như thế?
Tất cả là do những công ty làm ăn chộp giật mà ra. Đó là những công ty bày trò dựng rạp, chạy bàn chốt cọc đất ở Bình Phước, rao bán đất ở Bình Dương nhưng dẫn đi Đồng Nai, Long An...
Những hành động ăn xổi như thế vô hình trung làm nghề môi giới nhà đất xấu đi trước con mắt của nhiều người, kể cả dưới góc nhìn của người tìm việc, vì họ ngại.
>> Bốn phút chốt cọc 10 lô đất
Cũng trong nhóm đó, cứ vài chục phút, tôi lại thấy một bài đăng tuyển người. Số lượng nhân sự mà họ tuyển cực lớn: 5-10 trưởng phòng, hàng chục đến hàng trăm nhân viên, tất cả đều làm sale bất động sản.
Điều này cho thấy một số công ty nhà đất đang tuyển dụng nhân sự rất chộp giật. Họ đang lấy lượng mà bỏ đi chất, với suy nghĩ miễn sao càng nhiều người làm việc thì tỷ lệ chốt đơn sẽ tăng cao theo.
Những bạn trẻ bị mắc kẹt trong mớ bòng bong "nhân viên sale bất động sản" thường mới ra trường, thất nghiệp nên cần tìm việc làm gấp. Người tuyển cũng hứa hẹn đủ điều, dụ dỗ ngon ngọt "chốt lô đất ăn hoa hồng cả tháng lương", nghe rất hấp dẫn.
Khách quan mà nói, bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần nhờ môi giới. Họ là những người nắm thông tin, diễn biến trên thị trường cũng như vị trí, đặc điểm, pháp lý của từng căn nhà, lô đất. Vì thế cần khẳng định ngay rằng vai trò của sale bất động sản là vô cùng quan trọng với bên bán lẫn bên mua.
>> Nhờ 'cò' bán nhà, suốt 6 tháng không ai mua
Tôi lại nhớ các nhân viên của một công ty bất động sản gần nhà. Ngày nào tôi cũng thấy hàng chục thanh niên xách cặp táp, mặc vest, thắt cà vạt í ới nói chuyện với nhau trong quán cà phê.
Tôi nghe họ than phải tiết kiệm tiền ăn, để dành tiền chạy quảng cáo Facebook tìm kiếm khách hàng. Để ý thì thấy hầu như tháng nào cũng có những gương mặt mới, thay cho người cũ đã nghỉ việc vì không trụ nổi với việc đang làm.
Lý do đầu tiên là lương cứng thấp. Một số công ty chỉ trả mức lương cầm hơi từ ba đến năm triệu đồng. Khi thử vào nghề, làm ba, bốn tháng mà không chốt được lô đất, căn nhà nào thì rất dễ nản chí.
Bất động sản có giá trị rất lớn, không phải bó rau, con cá ngoài chợ nên không dễ bán. Nếu muốn thu nhập cao hơn, tất cả dựa vào hoa hồng. Vậy hoa hồng đó dựa vào những gì?
Theo tôi đó là những kiến thức về, đất đai, xã hội (để có cái "chém gió" làm thân với khách). Tiếp theo là kỹ năng giao tiếp, ăn nói sao cho hấp dẫn và thuyết phục được khách hàng. Thêm vào đó là kiến thức về marketing, kiến trúc, phong thủy... để tư vấn cho khách hàng một cách thỏa đáng nhất.
>> Nhờ 'cò' bán nhà, suốt 6 tháng không ai mua
Ngay việc bán rau ngoài chợ còn phải khen rau xanh, tươi, không dùng thuốc trừ sâu để khách mua huống gì một lô đất, căn nhà trị giá vài tỷ đồng mà cứ xài những chiêu trò chim mồi cũ kỹ để câu khách?
Nếu thể hiện được là một môi giới có tâm, am hiểu thị trường và nắm bắt nhu cầu của khách, sợ gì không có người mua? Khi đã quen nghề và xây dựng được mối quan hệ rộng, mỗi tháng chỉ cần bán thành công một, hai căn nhà thì có thể hưởng ngay vài chục triệu đồng tiền hoa hồng rồi.
Điều này vừa có lợi cho công ty, có lợi cho danh xưng môi giới bất động sản nói chung và bản thân các "cò" nói riêng.
Với những công ty làm ăn chộp giật, làm mọi cách để lừa mị khách hàng, tôi rất mong cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những sai phạm. Một là để minh bạch hóa thị trường. Hai là ngăn chặn nạn cò dựng chuyển, thổi giá. Ba là giúp các bạn trẻ bớt ảo tưởng mặc vest, xách cặp táp thì nghĩ rằng mình có thể "chốt cọc đất làm giàu".
Nguyễn Tài
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.