Tháng 12 năm ngoái, công ty khỏi nghiệp ở Boston, Mỹ của Meridith Cass - một vận động viên marathon - cho ra mắt cảm biến sinh học đo lượng nước. Sản phẩm của Cass xuất phát từ việc anh nhiều lần phải vật lộn, uể oải khi thi đấu trong nhiều điều kiện nhiệt độ và độ ẩm khác nhau. Runner này không biết tiếp nước ra sao cho phù hợp với từng điều kiện thi đấu.
Meridith Cass cũng giống như đa số runner thường chỉ uống khi cảm thấy khát. Theo các nhà khoa học, điều này đôi khi không tốt. Khi cảm thấy khát, cơ thể có thể đã rơi vào trạng thái mất nước. Uống nước có thể làm dịu cơn khát nhưng chưa chắc giải quyết được việc mất nước. Nếu khối lượng cơ thể giảm 2% do mất nước, runner có thể rơi vào tình trạng căng thẳng, nhịp tim cao, vận động kém hiệu quả. Mất 12% khối lượng cơ thể do thiếu nước, con người sẽ chết. Nhiều thiết bị công nghệ hiện nay chỉ cảnh báo uống nước theo chu kỳ thời gian hoặc khối lượng tập luyện, chứ không theo phân tích cá nhân hóa theo thể trạng thực. Cảm biến đo lượng nước của Cass được tạo ra để giải quyết vấn đề này.
Cảm biến có dạng như một miếng dán, gắn vào bắp tay. Miếng dán sẽ đo lượng mồ hôi của cơ thể thông qua tính toán thuật toán. Khi mồ hôi chảy qua các điện cực, miếng dán sẽ đo hàm lượng mồ hôi hai lần dọc theo đường chảy. Bằng cách so sánh dữ liệu ở hai vị trí, cảm biến có thể cho biết tốc độ di chuyển của chất lỏng trong cơ thể. Khi được kết nối qua bluetooth với ứng dụng, cảm biến sẽ chuyển tiếp thông báo đến điện thoại, giữ cho lượng nước mất đi không quá 1% khối lượng cơ thể.
Sản phẩm sẽ chỉ rõ thành phần mồ hôi, tốc độ đổ mồ hôi và lượng chất điện giải mất đi như kali, natri, magie. Ứng dụng trên điện thoại hiển thị một biểu đồ lựa chọn đồ uống được xếp theo thứ tự thành phần chất điện giải. VĐV có thể so sánh sự mất chất điện giải cụ thể với đồ uống phù hợp.
Bên cạnh mồ hôi, ứng dụng cũng thu thập dữ liệu liên quan đến môi trường hoạt động như nhiệt độ, độ ẩm, độ cao. Lịch sử tập luyện này được tận dụng để xây dựng các đề xuất về nước, chất điện giải và đồ uống cá nhân cho các bài tập trong tương lai.
Nhiều người chạy bộ tại Mỹ đã sử dụng qua sản phẩm này. Do là sản phẩm mới, cảm biến đo lượng nước không tránh khỏi nhiều điểm bất cập. Chẳng hạn, thời gian đầu thiết bị này chỉ tương thích với iOS, các thiết bị như Apple Watch Series 3 trở lên. Sau này, ứng dụng đã hỗ trợ các mẫu đồng hồ Garmin. Bất cập khác đến từ việc những dữ liệu đầu tiên chỉ được gửi về sau khoảng 25 phút tập luyện. Một số VĐV thử mặc quần áo dày và đi trượt tuyết. Dù cơ thể đồ mồ hôi nhưng cảm biến lại thông báo không phát hiện mất nước. Đây là những điểm yếu nhà sản xuất phải khắc phục nếu muốn biến sản phẩm thành đồ chơi cần có của mọi runner.
Hiện tại, nhiều đơn vị cho rằng món đồ này khá tiềm năng không chỉ chạy bộ. Nhiều đơn vị muốn phát triển, xây dựng thuật toán riêng cho nhiều môn thể thao khác như bóng đá, chèo thuyền, thậm chí dùng cho nhiều công việc mất sức như lính cứu hỏa.
Hoài Phương (Theo Wired)