TikTok, YouTube, hay Instagram tuy là sản phẩm của các công ty công nghệ khác nhau và mang đến trải nghiệm khác biệt cho người dùng, song chúng đều chia sẻ một đặc điểm chung quan trọng: tất cả đều được thiết kế để giữ chân người dùng ở mức tối đa.
Để đạt mục tiêu đó, những nền tảng này đã phát triển các thuật toán cá nhân hóa để tạo ra vòng lặp "gây nghiện". Ví dụ, bằng cách phân tích các dữ liệu như người dùng bỏ qua nội dung gì hoặc có xu hướng thả tim video nào, thuật toán của TikTok sẽ hiển thị nhiều video với nội dung đánh trúng sở thích từng người.
Thuật toán này là một "siêu vũ khí" thực thụ khi kết hợp với tính năng cuộn vô hạn (infinite scrolling). Trong khi chế độ mặc định của YouTube là để người dùng chủ động tìm kiếm nội dung, TikTok tự động hiển thị một video ngẫu nhiên mà nó cho rằng phù hợp với mối quan tâm của người dùng ngay khi ứng dụng được mở ra. Chỉ với động tác quẹt lên, người dùng sẽ liên tục tải được video mới. Chu trình "quẹt, xem, quẹt, xem" tạo nên trải nghiệm liền mạch, khó dứt. Bên cạnh đó, tính gây nghiện của TikTok cũng đến từ việc tạo ra "nỗi sợ bỏ lỡ" (FOMO - Fear of Missing out). Nói cách khác, người dùng luôn cảm thấy bị thôi thúc phải xem các nội dung tiếp theo vì sợ mình bỏ lỡ điều gì thú vị hoặc quan trọng.
Những mạng xã hội như Facebook hay Instagram cũng tận dụng các cơ chế tương tự để giữ chân người dùng. Tuy nhiên, định dạng video ngắn mà TikTok tiên phong có khả năng lan toả (viral) rộng rãi và nhanh hơn cả bởi chúng khai thác điểm yếu lớn nhất của con người hiện đại: khả năng tập trung suy giảm trầm trọng. Người dùng ngày càng thích những thứ ngắn gọn và "dễ tiêu hoá" nên video TikTok được cả thế giới ưa chuộng và chia sẻ rộng rãi.
Điều này có thể mang lại tác động tích cực khi TikTok lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng hoặc thông tin thiết yếu. Ngược lại, nếu bị kẻ xấu lợi dụng, TikTok sẽ nhanh chóng trở thành cỗ máy truyền tin giả hoặc video độc hại. Việc TikTok liên tục thu thập và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng cũng đặt ra nguy cơ tiềm tàng về bảo mật dữ liệu cá nhân.
Trước những tác động tiêu cực này, một số quốc gia như Mỹ, Australia, Canada, Anh, Ấn Độ... đã có động thái quyết liệt để ngăn chặn sự phổ biến của TikTok hoặc cấm ứng dụng này. Chẳng hạn, tính tới 6/3, đã có 25 bộ và cơ quan chính phủ của Australia cấm sử dụng TikTok trên tất cả thiết bị sử dụng cho công việc. Canada đầu tháng 3 tuyên bố sẽ cấm tất cả nhân viên làm việc cho chính phủ sử dụng TikTok trên thiết bị được cấp. Quốc hội, Nhà Trắng, quân đội và hơn một nửa số bang ở Mỹ cũng đã cấm TikTok vì lo ngại công ty mẹ của ứng dụng này, ByteDance, sẽ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Một thống kê về việc sử dụng các mạng xã hội tại Việt Nam cho thấy, Tik Tok đang tăng trưởng hết sức mạnh mẽ và đã trở thành ứng dụng phổ biến bậc nhất trong giới trẻ, với lượng người dùng hàng ngày tới 74%. Người dùng ứng dụng này, chủ yếu trong độ tuổi 18 đến dưới 30, tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng tăng lên gấp đôi, từ 4% lên 8%.
Việt Nam chưa có khảo sát sâu về tác động tiêu cực của Tiktok với người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng một số quốc gia đã điều tra rộng rãi và thận trọng, xuất phát từ lo ngại trước ảnh hưởng độc hại từ mạng xã hội này tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Theo một khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm 2022, khoảng 2/3 thanh thiếu niên Mỹ đang sử dụng TikTok. Các quan chức chính phủ Mỹ cáo buộc thuật toán gợi ý nội dung video của TikTok có thể khiến người dùng nhỏ tuổi mắc chứng rối loạn ăn uống, tự làm hại bản thân hay thậm chí tự tử.
Người dùng trẻ tuổi ở Việt Nam đã và đang đối mặt với những vấn đề tương tự.
Từ góc độ quản lý nhà nước, nên làm gì để kiểm soát các tác động tiêu cực của TikTok? Cách dễ nhất là theo chân một số nước cấm ứng dụng này trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, một lệnh cấm như vậy có thể sẽ bị xem là cực đoan và khó đạt hiệu quả như mong muốn, bởi những nền tảng lớn khác như YouTube, Instagram và Facebook cũng đã nhanh chóng ra mắt định dạng video ngắn như YouTube shorts hay Facebook reels tương tự clip TikTok. Không thể cấm hết mọi ứng dụng và cũng không nên vì một số tác động tiêu cực mà phủ nhận hết mặt tích cực của các nền tảng này.
Cách tối ưu hơn cả là các bên liên quan chủ động can dự cùng TikTok để phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ người dùng nói chung và trẻ em nói riêng khỏi các tác động xấu nhất của ứng dụng này.
Từ phía cơ quan quản lý, giới chức Việt Nam có thể đưa ra những yêu cầu chi tiết, rõ ràng và quyết liệt cho phía TikTok nhằm ngăn chặn phổ biến các video có nội dung độc hại. Cũng như YouTube và Facebook, TikTok hiện đã cho phép người dùng báo cáo các nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, chức năng này đang "ẩn" (cần giữ màn hình 1-2 giây để chức năng report hiện lên) chứ không hiển lộ như thả tim hay lưu clip. Cần yêu cầu TikTok bổ sung nút report phía dưới thả tim và hiển thị số lượt một clip đã bị report bởi người dùng.
Từ phía mình, người dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, cũng cần nghiên cứu kỹ những tính năng mà các mạng xã hội đã cung cấp để kiểm soát thói quen sử dụng của trẻ. Chẳng hạn TikTok mới đây đã triển khai các công cụ nhắc nhở thời gian sử dụng hàng ngày, cho phép cài đặt các quyền riêng tư và an toàn, đặt giới hạn về thời gian xem... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến các tính năng này do chúng chưa được tuyên truyền đầy đủ, và cũng không hiển thị ở các vị trí dễ nhận biết trên ứng dụng. Nhà quản lý có thể đề nghị phía TikTok phối hợp cùng nhà trường triển khai các chiến dịch xã hội nhằm hướng dẫn và nâng cao nhận thức của cả phụ huynh và học sinh về các tính năng kiểm soát nội dung xấu, cũng như cách sử dụng tối ưu ứng dụng này nhằm nâng cao kiến thức và vốn sống.
Cấm đoán luôn là lựa chọn bất đắc dĩ cuối cùng song cũng không thể thả nổi các mạng xã hội, bởi điều đó sẽ gây hại cho người trẻ và có thể đe dọa an ninh dữ liệu quốc gia. Điều quan trọng là tìm ra những giải pháp sáng tạo để vừa bảo vệ người dùng, vừa cho phép họ tận hưởng thành quả của khoa học, công nghệ.
Ngô Di Lân