Theo Indiatimes, lệnh cấm theo mục 69A thuộc Đạo luật CNTT, cáo buộc các ứng dụng tham gia vào hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của nước này.
Các công ty có ứng dụng bị cấm nhận được thông báo từ chính quyền nhưng danh sách toàn bộ không được công bố. Tuy nhiên, các nguồn tin đều cho biết, số này bao gồm TikTok, WeChat, Baidu, UC Browser (trình duyệt web của Alibaba), Mi Video Call (ứng dụng gọi video của Xiaomi), Bigo Live và Club Factory.
Kể từ tháng 6/2020, Ấn Độ đã cấm tổng cổng 267 ứng dụng của Trung Quốc theo nhiều đợt khác nhau. Nhưng đây là lần đầu nước này đưa ra lệnh cấm vĩnh viễn với một số ứng dụng.
Chính phủ Ấn Độ bắt đầu siết chặt sức ảnh hưởng của các ứng dụng Trung Quốc do căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai nước, đỉnh điểm là các xung đột ở biên giới gần đây. Chính quyền New Delhi cho rằng một số công ty Trung Quốc lợi dụng dữ liệu công dân và doanh nghiệp Ấn Độ, theo dõi và lôi kéo trong các hoạt động chống nước này.
"Xiaomi Ấn Độ tuân thủ tất cả các mệnh lệnh của chính phủ và sẽ tiếp tục làm như vậy cũng như phối hợp với các bên liên quan để giải quyết vấn đề", đại diện của hãng này chia sẻ.
Các lệnh ngăn chặn của Ấn Độ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Theo Nikkei, các công ty như Alibaba, Bytedance và Tencent đều coi Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để phát triển bên ngoài thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều trong số này đã phải tạm dừng kế hoạch phát triển.
Từ giữa năm 2020, tâm lý tẩy chay sản phẩm Trung Quốc lan rộng tại đây. Không chỉ với các ứng dụng, nhiều sản phẩm như đồ điện tử, điện thoại, TV của thương hiệu Trung Quốc cũng bị tẩy chay. Xiaomi, một trong những thương hiệu Trung Quốc phổ biến tại Ấn Độ, phải "xóa vết" bằng cách dán chữ "Made in India" lên các hộp smartphone của mình.